Những năm gần đây, số lượng tàu thuyền làm nghề khai thác ở vùng biển xa bờ của Bình Thuận đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân (tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, thu mua hải sản) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mỗi năm sản lượng khai thác hải sản của Bình Thuận 170.000 – 175.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả khai thác, những năm qua ngư dân Bình Thuận ngày càng chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn vươn khơi bám biển. Tàu thuyền dịch vụ hậu cần trên biển cho ngư dân cũng phát triển theo. Ngoài việc tiếp nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm ngay ở ngư trường, đội tàu dịch vụ hậu cần còn thu mua hải sản của tàu thuyền khác.
Anh Đỗ Văn Thanh – chủ vựa cá Bích Thanh (chợ cá Cồn Chà – Cảng cá Phan Thiết) cho biết, trước đây để phục vụ cho việc đánh bắt cá, anh Thanh đã đầu tư đóng mới nhiều tàu thuyền công suất lớn, khai thác ở tuyến khơi và luôn tìm kiếm, mở rộng ngư trường đánh bắt. Ở vùng khơi xa, tàu thuyền có thể đánh bắt được các loại hải sản lớn có giá trị kinh tế hơn so với gần bờ, lợi nhuận sau những chuyến biển ấy khá cao. Tuy nhiên, khi khai thác xa bờ anh nhận thấy, ở vùng khơi xa, dịch vụ hậu cần trên biển còn nhiều hạn chế, vì vậy, năm 2009 anh đã chuyển 3 tàu sang làm dịch vụ thu mua hải sản. Mỗi năm 3 tàu này mua khoảng 2.000 tấn hải sản của tàu thuyền trên biển.
Cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận – Ảnh: Vũ Mưa
Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận kể: “Hơn 5 năm trở lại đây, đội tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển của Bình Thuận đã phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 tàu thuyền đăng ký làm nghề dịch vụ hậu cần trên biển, trong đó nhiều nhất là Phú Quý với khoảng 100 chiếc. Về cơ bản, hoạt động của các đội tàu hậu cần khá hiệu quả, giúp cho những chuyến biển của ngư dân có thể thêm thời gian. Song, thực tế, dịch vụ hậu cần Bình Thuận chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngư dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình – một ngư dân ở phường Bình Tân – thị xã La Gi cho biết: Chi phí cho một chuyến biển có khi phải hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là phí tổn nhiên liệu. Nếu tàu ra vào nhiều lần thì vừa tốn thêm tiền dầu vừa tốn thời gian. Hơn nữa, do ngư dân vẫn chưa tiếp cận được công nghệ bảo quản hải sản mới nên khi tàu vào bờ, giá trị hàng hóa giảm một phần.