T2, 06/07/2020 11:18

Bạc Liêu: Sẻ chia cùng ngư dân ra khơi, bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Thông qua hình thức liên kết sản xuất biển, Bạc Liêu đã giúp cho ngư dân an tâm bám biển và tăng cao thu nhập. Thâm chí, tỉnh này còn điều tra kỹ lưỡng những phương tiện đánh bắt từ 30 CV trở xuống để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp, thay vì cấm đoán người dân.

Thành công từ mô hình liên kết

Theo Sở NNPTNT, hiện tại Bạc Liêu có gần 1.300 tàu cá, với hơn 10.000 lao động hành nghề, mỗi năm khai thác hơn 100.000 tấn hải sản các loại. Xuất phát từ thực tế tại địa phương thường đánh bắt theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, các địa phương có biển như huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu, Đông Hải thực hiện thí điểm mô hình hợp tác sản xuất. 

Từ chỗ chưa đầy 10 tổ hợp tác đến nay Bạc Liêu đã thành lập 53 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản, thu hút hơn 320 tàu cá tham gia. Mô hình này đã mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, ngư dân phấn khởi, hăng hái ra khơi bám biển, làm giàu cho gia đình và quê hương

Trần Thanh An – chủ 6 tàu cá tại Bạc Liêu – cho rằng đánh bắt thủy sản xa bờ không liên kết rất khó thành công, nay ngành nông nghiệp có chủ trương này ông rất mừng, chia sẻ: “Tôi có 4 tàu đánh bắt, có thể ở ngoài biển hàng tháng trời do đã có tàu hậu cần cứ vài ngày lại ra đem cá về, chở nước đá, thức ăn cung cấp cho thủy thủ. Tính ra chi phí giảm hơn nhiều so với hằng tháng phải chạy vào bờ rồi lại ra biển”. 

Dương Văn Ngoan – một chủ tàu cá – nói: Tại cửa biển này, từ đầu năm đến nay có hơn 90% số tàu hoạt động thường xuyên, mỗi tàu đánh bắt xa bờ có thể giảm chi phí từ 15 đến 20 triệu đồng/chuyến. Nếu như trước đây, mỗi tàu chỉ đánh bắt trong khoảng 15 – 20 ngày và phải vào bờ lấy nhiên liệu (dầu) và nước đá, lương thực, bán sản phẩm, thì nay mỗi tàu có thể đánh bắt liên tục ngoài khơi hàng tháng cũng chẳng sao.

 

Trên 90% số tàu cá tại Nhà Mát đánh bắt có lãi nhờ hợp tác sản xuất.

Hết lòng vì ngư dân

NĐ/67 như luồng gió mới đến với ngư dân. Tuy nhiên, những quy định ngặt nghèo của NĐ khiến ngư dân rất khó tiếp cận. Bởi hầu hết tàu cá của Bạc Liêu không đáp ứng nhu cầu vay vốn. Theo quy định tàu có công suất 400CV trở lên mới được hỗ trợ, trong khi theo điều tra của Sở NNPTNT Bạc Liêu trong tổng số 1.247 tàu cá của tỉnh, số tàu có công suất hơn 400 CV chỉ có 93 tàu, từ 250 CV đến dưới 400 CV có đến 308 tàu, từ 90 – 250 CV có 111 tàu, đặc biệt có hơn 660 tàu có công suất từ 50 CV đến dưới 20 CV.

Trong khi đó nhu cầu vay vốn phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của ngư dân khá lớn. Chỉ tính riêng vay vốn lưu động cho từng chuyến đi biển, cũng có đến 260 tàu đăng ký với tổng số tiền hơn 90 tỉ đồng. Đối với việc đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất hơn 400CV, Bạc Liêu được Trung ương đầu tư cho 38 tàu. Trong đó, 35 tàu hoạt động đánh bắt, và 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh – ông Nguyễn Tấn Khương – cho biết, tỉnh tiếp tục kiến nghị T.Ư xin hỗ trợ vốn để chuyển đổi ngành nghề, đóng mới tàu biển theo NĐ 67; đối với các tàu nhỏ có công suất dưới 20CV thì thay vì cấm không cho hoạt động (80 chiếc), chúng tôi hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Đối với tàu có công suất vừa sẽ tăng cường thành lập các tổ, đội hợp tác sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác của ngư dân.

UBND tỉnh đã ban hành QĐ quy định về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đa dạng các hình thức khai thác biển gắn với bảo vệ tài nguyên biển, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Nhật Hồ

Báo Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!