Men theo trục đường quốc lộ 51C, ngược hướng TP. HCM, vượt 20 cây số từ thành phố Vũng Tàu sẽ đến xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây được coi là “thủ phủ của hàu” miền Nam. Nuôi hàu đã giúp nhiều nhiều gia đình ở đây đổi vận…
Những con hàu nuôi của anh Đoàn Văn Tư – xã đảo Long Sơn đã được 1 năm tuổi, chuẩn bị xuất bán. Với giá bán 24.000 đồng như hiện nay, anh kiếm lãi gần gấp đôi chi phí bỏ ra. Mức giá này cũng cao hơn năm ngoái 5.000 đồng. Anh chia sẻ: “Thời điểm này năm ngoái giá chỉ có 18 – 20 ngàn thôi mà giờ được 24 ngàn rồi. Nếu thu nhập được thì lợi nhuận cũng rất là cao. Mình bỏ tiền vốn 50 triệu thì mình kiếm được 100 triệu”.
Chính việc nuôi hoàn toàn tự nhiên mà hàu Long Sơn trở thành một đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Dù được nuôi quanh năm những hiện nay hàu vẫn không cung cấp đủ yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt là giai đoạn từ nay đến cuối năm. Giá cả vì thế mà cũng có nhiều biến động.
Nuôi hàu không phải đầu tư nhiều vốn
“Từ đây đến cuối năm giá có thể tăng nữa. Vì hiện tại hàu lớn bà con trong vùng không còn nhiều. Phần lớn là đang cấy giống thôi mà nhu cầu từ nay đến cuối năm tăng rất mạnh. Hàu ở đây thì lại có chất lượng tốt. Hàu mập, trắng khác với nhiều vùng khác thì hàu có màu đen, vàng.
Do điều kiện tự nhiên đặc biệt mà Long Sơn là nơi duy nhất của tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu có hàu sinh sống. Hiện vùng nuôi hàu tự nhiên tại đảo đã có gần 100 hộ cho sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn”, anh Đoàn Văn Tư cho biết thêm.
Theo chị Đỗ Thị Ngọc Giàu – một người dân nuôi hàu, nuôi hàu ở đây không tốn con giống, chỉ cần mua phi, mua cây thả xuống. “Vì đường nước nó tạo ra con giống nên mình cũng không cần phải cho ăn hay chăm sóc gì hết. Năm nay nguồn nước tốt nên hàu bám nhiều”.
Vốn sinh sống ở thành phố Vũng Tàu, sau ngày cưới, vợ chồng anh Thanh, chị Liên quyết tâm tới đảo Long Sơn khởi nghiệp. Số tiền ban đầu đầu tư vào nuôi hàu là 100 triệu đồng, sau vài năm thu hoạch thấy có lãi, vợ chồng anh lại mạnh dạn đến ngân hàng để vay vốn, mở rộng diện tích nuôi. Hàng năm, sau khi thu hoạch có tiền anh lại tiếp tục tái đầu tư. Sáu năm nuôi hàu, năm nào doanh thu của gia đình anh đều đạt hơn 1 tỷ.
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Thắng chính thức nuôi hàu từ đầu năm 2008. Khi ấy, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh đã lập gia đình. Với số tiền 100 triệu đồng bố mẹ cho làm vốn ra ở riêng, anh đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi hàu. Sau khi tiến hành thu hoạch, thấy có lãi, anh lại tìm đến ngân hàng thế chấp tài sản, vay 200 triệu đồng để mở rộng diện tích mặt nước nuôi hàu. Hàu lớn đến đâu, anh thu hoạch đến đó, có tiền trong tay, anh lại tiếp tục lãi quay vòng, cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con
Hiện nay, tuy diện tích mặt nước chỉ hơn 2 ha nhưng trung bình mỗi năm gia đình anh Thắng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Từ ngày theo đuổi nghiệp nuôi hàu, gia đình anh đã trả hết nợ nần, xây được căn nhà một trệt, một lầu và có tiền trang trải cuộc sống. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho gia đình, anh Thắng còn tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
“Mấy năm gần đây, nghề nuôi hàu ở xã đảo Long Sơn này thịnh hành lắm, đã trở thành phong trào. Nuôi hàu “một vốn bốn lời”, đầu tư vốn ít nhưng lời cao. Nuôi hàu vừa nhàn, vừa dễ kiếm tiền. Hơn nữa, nghề nuôi hàu không đòi hỏi kỹ thuật cao, không tốn chi phí thức ăn, chi phí thuốc phòng chữa bệnh không đáng kể… Có tiền cộng với lòng đam mê nghề nghiệp thì ai cũng có thể làm được. Bên cạnh đó, nghề này cũng không tốn công sức lại đơn giản, chỉ cần người nuôi chịu khó, đầu tư ít vốn liếng là sẽ có lãi. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả thì môi trường nước phải thông thoáng, không nuôi gần nguồn có nguy cơ ô nhiễm”, anh Thắng lưu ý.