Tổ liên kết trồng rong, nuôi sò phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa): Phát triển hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Tuy mới thành lập nhưng Tổ liên kết (TLK) trồng rong sụn và nuôi sò của phường Cam Phúc Bắc phát triển khá hiệu quả, chủ động được đầu ra cho sản phẩm.

15 năm trước, nghề trồng rong sụn bắt đầu “bén duyên” với nhiều nông dân ở phường Cam Phúc Bắc, sau đó phát triển ra nhiều địa phương có biển của TP. Cam Ranh. Giai đoạn 2003 – 2005, nghề trồng rong sụn phát triển cực thịnh, đã giúp không ít nông dân trên địa bàn thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vì phát triển ồ ạt, tự phát trong khi thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất nên hiệu quả thấp, đầu ra của sản phẩm bấp bênh… Nghề trồng rong sụn nhanh chóng lụi tàn. Hàng trăm hộ dân ở phường Cam Phúc Bắc đã chuyển sang nuôi trồng các đối tượng khác, duy nhất chỉ còn ông Lê Văn Hoàng, ở tổ dân phố Hòa Do 4 vẫn tiếp tục bám trụ với nghề.

Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật trồng rong sụn tại phường Cam Phúc Bắc và thu hút một số hộ dân tham gia, trong đó có hộ ông Lê Văn Hoàng. Năm 2013, khi dự án kết thúc cũng là lúc nhiều người dân ở phường Cam Phúc Bắc quay lại với nghề khi nhận thấy trồng rong sụn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phát triển nhất là khu vực tổ Hòa Do 4. “Sợ nghề này lại phát triển ồ ạt rồi nhanh chóng lụi tàn như trước, nên chúng tôi luôn theo sát để hướng dẫn và định hướng cho bà con. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho người dân. Đặc biệt, để giúp bà con liên kết, chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cuối năm 2013, chúng tôi đã thành lập TLK nuôi trồng rong và sò”, ông Trương Văn Sa Tăng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Bắc cho biết. Khi mới thành lập tổ chỉ có 10 tổ viên, nhưng đến nay đã lên 30 tổ viên.

Ông Lê Văn Hoàng, người được xem đã làm “hồi sinh” nghề trồng rong sụn ở địa phương – Tổ trưởng TLK cho biết, 2 năm trước, ông mày mò thử nghiệm nuôi sò lông kết hợp với trồng rong sụn cho kết quả rất khả quan. Cả 2 đối tượng này đều phát triển tốt hơn rất nhiều so với nuôi trồng độc lập. Thấy ông Hoàng gặt hái nhiều thành công trông trong việc nuôi trồng kết hợp, nhiều người dân trong khu vực cũng đầu tư sản xuất như ông và đã thành công.

Anh Võ Văn Khanh, tổ viên TLK chia sẻ: “Trước khi thành lập TLK, nghề trồng rong sụn và nuôi sò kết hợp ở đây đã phát triển mạnh. Nhưng lúc đó, khu vực chúng tôi sản xuất thường xuyên xảy ra mất trộm. Từ khi có TLK, chúng tôi hỗ trợ nhau về mọi mặt, đặc biệt là có trách nhiệm kiểm soát, bảo vệ tài sản cho các tổ viên khác khi họ không có mặt tại khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, các tổ viên còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn lẫn nhau”. Còn ông Hoàng khẳng định, TLK đã trở thành chỗ dựa, giúp việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các tổ viên thuận lợi hơn. Ngoài trao đổi, giúp nhau về mặt kỹ thuật và nguồn giống, tổ đã chủ động được đầu ra cho sản phẩm khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải – Ninh Thuận. Đặc biệt, Công ty này đã đồng ý tăng khối lượng hợp đồng lên 1.000 tấn từ năm sau. Tuy nhiên, băn khoăn nhất hiện nay của Tổ là khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, vì nhà, đất của hầu hết tổ viên đều chưa được cấp sổ đỏ.

Ông Trương Văn Sa Tăng cho biết thêm: “Hiện tại, nghề trồng rong sụn ở địa phương rất phát triển với gần 100 hộ sản xuất. Từ thành công của TLK ở tổ dân phố Hòa Do 4, chúng tôi sẽ thành lập thêm TLK sản xuất ngành nghề này để phát triển hiệu quả và bền vững”.

Nam Anh

Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!