Nuôi cá tầm làm sản phẩm hàng hóa không còn xa lạ đối với một số huyện như Quỳnh Nhai, Phù Yên, nhưng còn khá mới mẻ với người nông dân huyện Mộc Châu. Tại Mộc Châu, mới có một đơn vị nuôi cá tầm, kết quả bước đầu đã cho thấy, đây là mô hình kinh tế đem lại triển vọng tại mảnh đất có khí hậu quanh năm mát mẻ này.
Năm 2013, với sự hỗ trợ từ Chương trình “Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 – 2015” của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty Cổ phần tư vấn, dịch vụ kỹ thuật và thương mại TEAFO đã triển khai thực hiện Dự án “Nuôi cá tầm Siberi thương phẩm tại huyện Mộc Châu”. Trên cơ sở khảo sát về khí hậu và nguồn nước, Công ty đã chọn tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu làm địa điểm đầu tiên nuôi cá tầm Siberi. Khu vực nuôi cá tầm được xây dựng với 5 bể nuôi có tổng diện tích 1.000 m2, sử dụng nguồn nước sạch từ khe núi chảy trực tiếp vào bể cá. Cá giống được nhập từ Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I).
Mô hình nuôi cá tầm Siberi tại Mộc Châu.
Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Công ty cho biết: Cá tầm Siberi sống chủ yếu ở trong các sông, suối, bởi vậy việc nuôi cá tầm ở Mộc Châu trong điều kiện nuôi bể như vậy sẽ phải áp dụng nghiêm ngặt và đầy đủ các quy trình kỹ thuật đối với điều kiện nuôi tập trung. Công ty đã áp dụng cách tạo dòng nước lưu chuyển nhân tạo, thông qua hệ thống mương dẫn, tạo áp lực nước từ trên cao về các bể nuôi, tạo lưu tốc dòng chảy thông qua hệ thống máy bơm nước, máy sục khí, kết hợp các công nghệ mới nhằm đảm bảo các chỉ tiêu ôxy hòa tan, kiềm (pH), kim loại nặng… phù hợp với đặc điểm sinh học của cá tầm Siberi. Hệ thống bể nuôi được xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của cá ở từng giai đoạn. Thời gian đầu, tất cả các khâu từ kỹ thuật chăm sóc đến cho cá ăn, dọn dẹp vệ sinh bể nuôi… do các kỹ thuật viên đến từ Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa thực hiện. Sau mỗi lứa nuôi, Công ty lại có thêm nhiều kinh nghiệm. Đến nay, khoảng 80% khối lượng công việc đã được công nhân của doanh nghiệp và một số lao động tại địa phương thực hiện thành thạo.
Sau hơn 1 năm triển khai nuôi cá tầm Siberi, đã cho thấy sự thích nghi của loài cá này với khí hậu tại Mộc Châu, đặc biệt ở đây có nguồn nước lạnh, nhiệt độ cao nhất hằng năm không quá 220C. Đến nay, Công ty đã nuôi thành công 4 lứa cá tầm Siberi, tỷ lệ sống ở mỗi lứa cá đạt trên 85% (có lứa đạt trên 90%). Trọng lượng bình quân của cá sau 1 năm nuôi đạt từ 1,5 – 2 kg/con, giá xuất bán tại chỗ đạt 200.000 – 250.000 đồng/kg. Với hệ thống 5 bể nuôi, Công ty luôn duy trì đàn cá trên 4.000 con, nuôi gối lứa để tạo nguồn cung sản phẩm thường xuyên cho thị trường. Sản phẩm cá tầm Siberi của Công ty chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng tại Mộc Châu, Thành phố Sơn La và Hà Nội, chất lượng thịt cá được đánh giá cao, được người dùng ưa chuộng. Bên cạnh việc nuôi và bán sản phẩm cá tầm, Công ty còn tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật nuôi cá tầm cho bà con nông dân trong vùng.
Những kết quả bước đầu này sẽ là cơ sở để Công ty tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá tầm Siberi, khuyến khích bà con trong vùng chuyển hướng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu cung cấp thường xuyên cho thị trường, khai thác tiềm năng về nguồn nước lạnh và khí hậu mát mẻ của cao nguyên Mộc Châu.