Quảng Bình: Làm giàu nơi ruộng lầy Võ Xá

Chưa có đánh giá về bài viết

Ruộng lầy Võ Xá từng đi vào lịch sử thời cuộc chiến Trịnh – Nguyễn tương tàn. Thuở ấy, sau bao trận binh đao, những người lính Chúa Trịnh sống sót, hoảng loạn tháo chạy từng kêu lên “Một lo lũy Thầy dài, hai sợ ruộng lầy Võ Xá”. Ấy vậy mà, chính tại nơi đây, nơi ruộng lầy đáng sợ có tiếng, ngày nay, ông Trương Hoằng- một cựu chiến binh (CCB) lại xây dựng trang trại tổng hợp, và giàu lên.

Mới 11 tuổi mẹ mất, lên 20 tuổi bố mất; như người ta, có khi còn có anh chị em để cùng bồng bế, dắt dìu nhau khi cha mẹ qua đời; đằng này, Trương Hoằng ở thôn Tiền xã Võ Ninh (Quảng Ninh) chỉ một mình quạnh hiu, côi cút trong ngôi nhà tạm.

Nhớ lại, ông Hoằng kể “Mẹ mất trước, mãn tang cha xong, đầu năm 1979 tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cuối năm 1982, xuất ngũ. Về quê, việc đầu tiên là tôi sửa sang, che chói lại ngôi nhà tạm và sau nữa là lấy vợ. Mấy năm liền, hai vợ chồng quần quật ruộng vườn nhưng vẫn không đủ ăn.

Đến năm 1998, tôi mạnh dạn đấu thầu 20 ha ruộng vùng Vạn Cùng. Năm năm đầu, vợ chồng vừa trực tiếp làm vừa thuê người, từ năm thứ sáu đến nay, vụ nào tôi cũng thuê người làm, mình chỉ điều hành. Năng suất lúa bình quân đạt từ 65 đến 70 tạ/ha, mỗi vụ sản lượng khoảng 145 tấn”.

Ở thôn Tiền, có đồng Hoa Châu là vùng ruộng lầy thụt nổi tiếng của Võ Xá ngày xưa và xã Võ Ninh ngày nay. Ruộng lầy ở đây quá nguy hiểm nên nhiều diện tích bị bỏ hoang từ lâu. Sau mấy lần quan sát thực địa, với nghị lực, ý chí của người lính, ông Trương Hoằng đứng ra thuê dài hạn 5 ha ruộng “đặc biệt lầy” ở đây. Nghe nói, nhiều người không tin, cũng lắm bà con, bạn bè can ngăn “trò mạo hiểm” của ông; can ngăn không được họ đành “để vậy xem sao”.

Ông Hoằng thuê nhân lực, thuê máy đào đắp một con đường từ Quốc lộ 1 ra ruộng dài đến 500 m và đủ rộng cho xe, máy, người đi lại. Cứng hóa đường xong, ông dùng mẹo nhưng có kỹ thuật hẳn hoi, làm bè cho máy đứng trên bè, nạo múc lấy hết bùn lầy ở 5 ha ruộng. Cả làng đổ ra xem “cái gan, cái kế của ông Hoằng”, và ai cũng tâm phục khẩu phục. Nạo vét bùn lầy xong, ruộng hoang đã trở thành các hồ sâu, máy đào đắp đất tiếp tục đắp một khu vực để xây nhà chòi và xây chuồng trại chăn nuôi, đắp đê bao quanh vùng, đắp đường phân chia 5 ha thành 8 hồ, trong đó có 3 hồ nuôi cá và 5 hồ cá – lúa. Ông thuê thợ đúc bi bê tông chắn giữ kiên cố quanh hồ cá để vừa đắp được đê cao hơn, chắc hơn vừa không bị nước ngập hồ mỗi mùa mưa lũ; toàn bộ chi phí hết 3 tỷ đồng.

Ông Trương Hoằng cho cá ăn. 

Ông Trương Hoằng cho cá ăn.

Sau khi hoàn thành chuồng trại, ao nuôi, ông Hoằng mua cá giống, lợn giống, bò giống và ngan, vịt, gà giống để chăn nuôi tổng hợp trên diện tích 5 ha. Ngoài việc thuê người, hàng ngày ông đều có ở trang trại để vừa điều hành công việc, vừa vui mắt ngắm đàn vịt, ngan có nhiều lứa trên 3.000 con, đàn gà hơn 400 con, lợn thịt 70 con, bò 10 con… Riêng cá trắm, mè, rô phi đơn tính ở 8 hồ, mỗi năm ông thu 2 lứa, bình quân mỗi lứa bán 6 tấn, chí ít cũng được 180 triệu đồng.

Khi kinh tế đã khá lên, dư giả, cách đây 3 năm, ông Trương Hoằng vận động 3 hộ gia đình khác hùn vốn, đầu tư trên 1,3 tỷ đồng mua 3 máy gặt đập liên hợp đến mùa gặt phục vụ bà con trong vùng và cả trên Lệ Thủy. Ông Phạm Toản- thôn Thượng xã Võ Ninh, người cùng hợp tác mua máy, làm ăn với ông Hoằng nhận xét “Anh Hoằng thật sự là một nông dân có “tầm”, rất năng động, dám nghĩ dám làm. Không riêng gì người dân thôn Tiền, ở xã Võ Ninh, nếu nói về người vượt lên hoàn cảnh để làm giàu, phải nói đến anh Hoằng”.

Vượt ra khỏi địa giới xã Võ Ninh, ông Trương Hoằng còn “ghi điểm” ở xã An Ninh. Chuyện là, do vùng ruộng trên này gần phá Hạc Hải, có thời điểm chuột “hành quân” từ các đầm phá, hói lên cắn phá hàng chục ha ruộng lúa của bà con ở thôn Thống Nhất và thôn Hoành Vinh. Do vậy, vụ hè-thu năm 2013, ở HTX nông nghiệp thôn Thống Nhất có một số diện tích ruộng người dân sợ chuột phá, không làm. Ông Hoằng xin làm 13 ha. Ông tổ chức diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh tốt nên vụ đó thu được 52 tấn thóc, đem chia cho những người tham gia làm cùng ông, ai cũng mừng. Bà con thôn Thống Nhất nể phục, vậy nên, từ vụ đông-xuân 2013 – 2014 nông dân không còn bỏ ruộng nữa.

Ông Trương Hoằng nói: “Thú thực, làm kinh tế nông nghiệp đã ăn sâu vào máu của tôi đã từ lâu rồi. Chỗ nào khó khăn tôi đều nhận làm, nơi nào người ta thả thì tôi sẽ làm ra tiền, thế mới hay”. Ông nhẩm tính mấy năm qua, mỗi năm ông thu vào cũng trên 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí, lãi ròng khoảng chừng 200 triệu đồng. Vẫn biết con số ông nói là khiêm tốn.

Ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã Võ Ninh cho biết “Trong phong trào thi đua CCB gương mẫu, xã Võ Ninh có nhiều cán bộ, hội viên phát huy tốt đẹp phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trong đó, ông Trương Hoằng là một tấm gương sáng về CCB năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn làm giàu chính đáng ngay trên ruộng lầy đã bỏ hoang. Không những thế, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, chủ yếu là CCB, con em CCB và hay giúp đỡ người nghèo khó.

Gần đây, ông vinh dự được tham dự và báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua CCB gương mẫu huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình. Tấm gương làm kinh tế giỏi của CCB Trương Hoằng, chúng tôi đang tuyên truyền, nhân rộng”.

Thái Toản

Báo Quảng Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!