Năm 2014, nuôi thủy sản ở tỉnh Bình Định phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực: nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn và nước lợ. TSVN giới thiệu một số mô hình tiêu biểu.
Cá lồng hồ chứa
Đó là mô hình nuôi cá điêu hồng trên hồ chứa Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Bắt đầu từ năm 2009 với 9 hộ dân tham gia 5 mô hình do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Định thực hiện, gồm 10 lồng nuôi, tổng thể tích nuôi 538 m3. Đến nay đã hình thành nghề nuôi cá lồng và phát triển nhanh chóng với khoảng 32 hộ đang tham gia, gần 200 lồng nuôi, tổng thể tích 13.400 m3. Các hộ nuôi đã được tập huấn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả khá cao. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 500 – 800 g/con, tỷ lệ sống trên 80%. Tổng sản lượng cả năm 2014 là 5.400 tấn, trung bình mỗi hộ nuôi 6 – 10 lồng, năng suất 1 tấn/lồng, với giá bán 42.000 – 45.000 đồng/kg (cỡ 500 – 700 g/con) cho thương lái trong ngoài tỉnh, lãi 12 – 15 triệu đồng/lồng.
Từ thực tế nuôi cá tại hồ Định Bình cho thấy, nếu người dân biết tận dụng lợi thế địa phương, thực sự quan tâm học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản (chọn giống tốt, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chú ý phòng bệnh) thì mô hình này sẽ phát huy hiệu quả cao. Đây là cơ hội tốt để phát huy tiềm năng diện tích mặt nước ao, hồ chứa trong tỉnh đang còn rất lớn.
Tỷ phú tôm hùm
Phong trào nuôi trồng thủy sản nước mặn cũng phát triển mạnh mẽ, tập trung ở Quy Nhơn, gồm các hình thức: ương nâng cấp và nuôi thương phẩm tôm hùm lồng, nuôi thương phẩm cá lồng biển và nuôi ốc hương. Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải mang lại hiệu quả khá cao. Theo ông Đoàn Ngọc Trung, Nhóm trưởng Nhóm cộng đồng nuôi tôm hùm thương phẩm Nhơn Hải, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của các ngành chức năng tỉnh và thành phố trong việc hỗ trợ kỹ thuật, thành lập mô hình Nhóm cộng đồng nghề nuôi tôm hùm thương phẩm ở địa phương phát triển theo hướng bền vững, chấm dứt thời kỳ nuôi tôm tự phát, rủi ro lớn. Vụ nuôi 2013 – 2014 có 49 hộ nuôi tôm thương phẩm với hơn 26.000 con, tại 28 bè, cho thu hoạch hơn 16 tấn, giá trị trên 28 tỷ đồng.
Nuôi tôm hùm là một thế mạnh của tỉnh Bình Định – Ảnh: Quang Quyết
Ông Phạm Thành Thệ, một chủ nuôi tôm hùm thương phẩm tại thôn Hải Nam xã Nhơn Hải cho biết, năm nay nhờ phát huy tính cộng đồng trong nuôi tôm, thực hiện đúng kỹ thuật, tôm ít dịch bệnh, giá tôm thương phẩm tăng 400 – 500.000 đồng/kg so với năm trước (tôm loại 1 có giá 1,8 – 1,9 triệu đồng/kg, loại 2 có giá 1,7 – 1,8 triệu đồng/kg) nên người nuôi tôm hùm thương phẩm thu lợi nhuận khá cao. Bản thân ông thả nuôi gần 1.300 con, sản lượng hơn 1 tấn, lãi hơn 800 triệu đồng.
Đột phá nhờ công nghệ
Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, luôn đối diện rủi ro thời tiết, dịch bệnh. Nhận định được những khó khăn đó, Công ty Nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản Xanh đã tiên phong đầu tư nuôi TTCT ứng dụng công nghệ Biofloc tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Biofloc được xem như cụm sinh học tạo thành từ động, thực vật phù du, các hợp chất hữu cơ (phân tôm, xác sinh vật…) và vi khuẩn. Lợi ích của Biofloc là chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chất thải hữu cơ thành nguồn protein của vật nuôi. Mô hình thành công mở ra một hướng mới cho nghề nuôi tôm ở tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung. Trên quy mô 8 ha, công ty này đầu tư 16 ao, vốn ban đầu mỗi ao nuôi 3 tỷ đồng. Sau 3 tháng thả nuôi, tôm đạt kích cỡ 50 – 70 con/kg, năng suất mỗi ao nuôi với diện tích 3000 m2 đạt 15 – 18 tấn/vụ nuôi. Mô hình này được ngành nông nghiệp đánh giá cao bởi ưu việt về chất lượng và sản lượng tôm thương phẩm, giải quyết bài toán khó về giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường vùng nuôi, cũng là hạt nhân để hình thành những vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.