Quảng Ninh: Tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác và nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2014, công tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quảng Ninh gặp không ít khó khăn, nhất là nuôi mặn lợ ở giai đoạn đầu vụ nước bị ngọt hóa; sau thả nuôi một đến hai tháng tôm có dấu hiệu dịch bệnh, tôm thu hoạch bán với giá thành thấp nên nhiều hộ có sản lượng khá nhưng lãi không cao.

Tuy nhiên nhờ việc cải tiến kỹ thuật nuôi được áp dụng rộng rãi nên năng suất, sản lượng nuôi trồng tăng khá, sản phẩm nuôi ngày càng phong phú; nhiều hộ dân xã Hải Ninh nuôi trồng thủy sản ở vùng cát ven biển đạt năng suất rất cao 55 – 70 tấn/ha.

Trong năm 2014, diện tích nuôi trồng toàn huyện Quảng Ninh đạt 1.092 ha (nuôi mặn lợ 122 ha, nuôi ngọt 970 ha). Năm 2014 vừa qua, lượng tôm giống thả nuôi trên địa bàn ước đạt 64 triệu con (trên cát 50 triệu con, đầm nước lợ 14 triệu con), lượng cá giống thả đạt trên 3 triệu con. Sản lượng khai thác và nuôi trồng được 3.570 tấn; trong đó: đánh bắt 2.100 tấn (gồm: biển 1.550 tấn; sông, đầm 550 tấn), nuôi trồng 1.470 tấn.

Các cấp chính quyền đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện như: Trợ giá giống tôm thẻ chân trắng đợt 1 trên 11,5 triệu con, kinh phí 230 triệu đồng, trợ giá giống cá chẻm 8.000 con với kinh phí 32 triệu đồng; hỗ trợ cho ngư dân xã Hải Ninh mua sắm, đóng mới 4 tàu thuyền có công suất trên 60CV để đánh bắt xa bờ với kinh phí 140 triệu đồng.

Ngư dân xã bãi ngang Hải Ninh chuẩn bị ra khơi. 

Ngư dân xã bãi ngang Hải Ninh chuẩn bị ra khơi.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2015, huyện Quảng Ninh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng lên 1.120 ha (nuôi mặn lợ 150 ha, ao hồ 287 ha, nuôi cá 683 ha); mở rộng địa bàn nuôi cá lồng trên sông ở những địa phương có điều kiện như Duy Ninh, Hiền Ninh… Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm trên cát; quy hoạch đầu tư dự án phát triển các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; tập trung nuôi trồng ở các dự án cá lúa đã đầu tư ở  Gia Ninh, Vạn, Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh, An Ninh và Võ Ninh…

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng đầu tư đóng mới tàu thuyền đánh bắt có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất và hiệu quả khai thác; thực hiện kế hoạch hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa với việc thành lập các tổ, đội hợp tác khai thác trên biển vừa hợp tác đánh bắt vừa hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn.

Đồng thời, huyện chỉ đạo thực hiện gắn đánh bắt với chế biến hải sản nhằm giải quyết lao động phụ nghề cá, tăng thu nhập cho ngư dân. Ưu tiên đầu tư, vay vốn để khuyến khích phát triển nghề đánh bắt và chế biến thủy hải sản; tăng cường các chương trình khuyến ngư để chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao sản lượng, chất lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại có giá trị hàng hóa cao.

Với những giải pháp trên, Quảng Ninh phấn đấu năm 2015 sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 3.700 tấn, trong đó đánh bắt 2.100 tấn, nuôi trồng 1.600 tấn.

P.V

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!