Cà Mau: Triển vọng trồng dừa xiêm lùn kết hợp nuôi cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Anh Nguyễn Văn Tiến, ở ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh được xem là một trong những hộ thực hiện thành công mô hình trồng dừa xiêm lùn kết hợp nuôi cá. Trước đây, cuộc sống gia đình anh Tiến gặp rất nhiều khó khăn, do đây là vùng đất bị nhiễm phèn nặng nên việc canh tác nông nghiệp của gia đình anh không mấy thuận lợi. Mặc dù đã nhiều lần thay đổi giống cây trồng nhưng anh vẫn không thể nào tìm ra được giống cây thích hợp với đất của gia đình.

Mãi đến năm 2008, trong một lần tham quan mô hình trồng dừa xiêm lùn kết hợp nuôi cá của nông dân tỉnh Bến Tre, anh Tiến mới tìm được giống cây phù hợp cho vùng đất mình. Sau chuyến tham quan năm đó, anh Tiến mạnh dạn lên liếp trồng hơn 50 gốc dừa xiêm lùn, đồng thời dưới ao anh thả nuôi các loại cá nước ngọt như: cá chim trắng, cá mè, cá bống tượng để lấy ngắn nuôi dài. Từ 5 ao cá, mỗi năm anh thu nhập hơn 70 triệu đồng. Riêng dừa năm nay đã bước vào vụ cho trái thứ 3, những vụ trước anh thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/vụ.

 

Với những đặc tính vượt trội cũng như hiệu quả kinh tế, dừa xiêm lùn đang được người dân trên địa bàn huyện U Minh quan tâm nhân rộng.

Anh Tiến chia sẻ: “Dừa xiêm lùn rất phù hợp với vùng đất nhiễm phèn nên phát triển rất tốt, nhanh cho trái, năng suất cao gấp đôi so với giống dừa cao, lại dễ chăm sóc, xử lý sâu bệnh và nhất là giảm công trong khâu thu hoạch. Ở vụ mùa này, vườn dừa bắt đầu cho trái sai hơn 2 vụ trước nên thu nhập chắc cũng tăng lên. Thấy hiệu quả nên tôi mới lên thêm 2 liếp nữa rồi ương giống tại nhà trồng luôn cho đỡ tốn kém”.

Không chỉ bén rễ trên vùng đất ngọt mà dừa xiêm lùn cũng đang chứng minh sức sống tại những vùng đất mặn. Bà Nguyễn Thị Chữ, ở ấp 1, xã Khánh An là người tiên phong đưa giống dừa này về trồng trên vùng đất mặn. Trong một lần về quê ở Trần Văn Thời, bà Chữ biết mô hình trồng dừa xiêm lùn của người bà con cho hiệu quả cao nên bà tỏ ý định nhân giống. Bà mua hơn 40 trái dừa giống về tự ương và trồng trên diện tích vườn tạp của mình. Thật bất ngờ, không chỉ dừa bám trụ tốt trên vùng đất mặn mà còn cho trái sai và thơm ngon hơn so với các loại dừa khác.

Bà Nguyễn Thị Chữ chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng hồi hộp lắm nhưng đến khi dừa cho vụ trái đầu tiên tôi mới yên tâm. Hiện tôi đang tự ương giống để nhân rộng diện tích trồng, đồng thời cung ứng cho bà con ở địa phương nhân rộng. Đây là một trong những mô hình phù hợp với những hộ ít đất sản xuất, chỉ cần trồng được 10 cây dừa, đến khi cho trái cũng thu về hàng chục triệu đồng/năm. Vả lại, dừa xiêm lùn cũng dễ theo dõi sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao”.

Không chỉ có thu nhập từ cây dừa, bà Chữ còn tận dụng diện tích ao sau khi lên liếp để nuôi cá chình, cá bống tượng và cá chẽm. Từ mô hình này mỗi năm cũng mang về cho gia đình bà hơn 50 triệu đồng. Nhờ vậy mà từ một hộ nghèo đến nay gia đình bà Chữ đã vươn lên khá giàu. Nhờ chuyển đổi giống cây trồng phù hợp và biết chi tiêu hợp lý nên vợ chồng bà vừa mới cất ngôi nhà khang trang hơn 100 triệu đồng.

Với đặc tính thơm ngon nên dừa xiêm lùn hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đầu ra, giá cả luôn ở mức cao và ổn định hơn so với các loại dừa khác từ 1.000 – 2.000 đồng/trái. Chính từ những đặc tính nổi trội như trên mà dừa xiêm lùn hiện đang được người dân trên địa bàn huyện U Minh quan tâm nhân rộng. Hiện toàn huyện có hơn 30 ha trồng dừa xiêm lùn kết hợp nuôi cá, tập trung nhiều ở các xã Khánh An, Khánh Thuận và Khánh Tiến.

Bài, ảnh: Lâm Chiêu

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!