Liên tiếp bị cảnh báo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy sản Việt Nam đang đối diện nguy cơ mất thị trường EU, nếu không kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả. Trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý mà còn ở chính doanh nghiệp và người nuôi.
Lại “báo động đỏ”
Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo có kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép tại EU, Nhật Bản; 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU.
Chỉ tính trong tháng 10/2014, thông qua hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF) của Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng, Ủy ban châu Âu (EC), NAFIQAD đã nhận được thông tin về 11 lô hàng cá tra bị cơ quan thẩm quyền EU phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng Nitrofurazone.
Hầu hết các lô hàng này đều thuộc sở hữu của 4 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn (Công ty CP Thủy sản Bình An, Công ty CP Thủy sản Gò Đàng, Công ty CP Thủy sản Mê Kông và Công ty CP Thủy sản Hùng Vương).
Gần đây nhất, ngày 10/12, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng – EC tiếp tục thông báo tình hình các lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào EU.
Sản phẩm chủ yếu bị cảnh báo là tôm, cá tra, cá bống, lươn đông lạnh; cá trê vàng…, do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép hoặc do phát hiện tồn dư hóa chất kháng sinh cấm trong sản phẩm.
Ảnh: LHV
Công thư EU cũng nêu rõ số lượng lô hàng bị cảnh báo và các cơ sở chế biến có liên quan; đồng thời đề nghị NAFIQAD trả lời về hoạt động điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục đã được áp dụng, cũng như biện pháp lấy mẫu phân tích phù hợp và cho biết sau 9/1/2015.
Như vậy, sau 9/1/2015, có thể EU sẽ ngưng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu không có câu trả lời thỏa đáng về việc điều tra nguyên nhân cũng như đưa ra biện pháp khắc phục đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vừa bị EU cảnh báo.
Tôm và cá tra đang là hai mặt hàng xuất khẩu chiến lược, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2014. Do vậy, việc đối diện các rào cản kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu đang là mối đe dọa lớn cho sự ổn định và phát triển hai mặt hàng này.
Cần giám sát chặt, xử lý nghiêm
Sau khi EU cảnh báo đối với hàng thủy sản Việt Nam, ngày 17/12/2014 NAFIQAD đã có Công văn 2854/QLCL-CL1 yêu cầu 19 doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản có các lô hàng xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiêm túc điều tra, xác định nguyên nhân và tổ chức khắc phục. Động thái này của NAFIQAD nhằm kịp thời có được giải trình cụ thể từ phía doanh nghiệp để có câu trả lời sớm nhất theo đề nghị từ EU. Đương nhiên, đối với 19 doanh nghiệp bị cảnh báo, sau khi có “giải trình” về nguyên nhân và hướng khắc phục, cơ quan chức năng cũng sẽ có biện pháp xử lý để tránh tình trạng lặp lại vi phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thủy sản cả nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược tái cơ cấu toàn diện ngành thủy sản, từ khâu nuôi, chế biến, đến chiến lược xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bị cảnh báo về chất lượng, thậm chí đã không ít lần bị ngưng xuất khẩu vào một số nước. Cũng rất nhiều lần, lãnh đạo cao nhất của ngành nông nghiệp đã có công văn chỉ đạo thắt chặt kiểm tra chất lượng thủy sản xuất khẩu, tránh để bị cảnh báo, dẫn đến mất thị trường. Cơ quan chức năng đã kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với những sai phạm; song tình trạng này vẫn diễn ra, thậm chí số lần cảnh báo có nguy cơ ngày càng tăng ở một số thị trường (EU, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, một trong những nguyên nhân dẫn đến dư lượng kháng sinh cấm liên tục bị phát hiện trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta, chính là ở khâu nguyên liệu. Phần lớn các hộ nuôi tôm ở ĐBSCL hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật hạn chế, nên việc sử dụng chất kháng sinh thường khó kiểm soát. Do vậy, việc tăng cường giám sát chất lượng nguyên liệu thủy sản tại các vùng nuôi là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu hiện nay.
“Để không tự đánh mất cơ hội của chính mình, đồng thời muốn nâng cao uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, không cách nào khác, chúng ta phải tự thay đổi mình, chuyển dần từ sản xuất chạy theo số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm” – TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khuyến cáo. Cũng theo ông Thành, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, đề xuất những cơ chế mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tăng sản lượng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng.