Đó là mô hình nuôi 115.000 cá giống tại 4 xã của huyện Tây Hòa được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện triển khai từ năm 2014, đến nay, cho hiệu quả khả quan.
Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn và được tập huấn kỹ thuật. Ban quản Trị Hợp tác xã, UBND xã làm đại diện, xác nhận cho nhóm hộ tham gia thực hiện mô hình. Trước khi thả giống, các hộ nuôi tiến hành tát cạn nước ao nuôi, bắt hết cá tạp; rải vôi nông nghiệp với lượng 7 – 10 kg/100 m2, phơi đáy ao 3 – 5 ngày; bơm nước mới vào ao với mức 50 cm; gây thức ăn tự nhiên cho ao (đậu nành hòa vào nước tạt xuống ao với lượng 3 – 5 kg/100 m2). Sau 2 ngày, tiến hành cấp nước đủ cho ao nuôi và thả cá giống, mật độ 10 con/m2. Người nuôi cũng sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên có độ đạm 30% kết hợp thức ăn tự chế biến.
Sau 5 tháng, cá đạt kích cỡ 4-8 con/kg – Ảnh: PTC
Sau 5 tháng triển khai, dịch bệnh không xảy ra, tỷ lệ nuôi sống đạt 74 – 80%, cao hơn mục tiêu đề ra 4%. Cá đạt kích cỡ 4 – 8 con/kg, năng suất khoảng 7,9 tấn/ha (cao hơn mục tiêu đề ra 0,9 tạ/ha). Với giá bán cá thương phẩm tại ao 45.000 – 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, các hộ thu lãi 13 – 14 triệu đồng/vụ.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Tây Hòa khuyến cáo người nuôi nên nhân rộng nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn huyện.