Những năm gần đây, nghề đánh bắt khai thác thủy, hải sản trên địa bàn Nghệ An phát triển rất mạnh. Số lượng tàu thuyền, nhất là tàu thuyền có công suất lớn được ngư dân đầu tư đóng mới tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghề cá lại không theo kịp với sự phát triển đó, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập.
Những năm qua, từ các nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng được 3 cảng lớn là Cửa Hội, Lạch Quèn và Lạch Vạn, trong đó Cửa Hội theo nguồn vốn của ADB, Lạch Quèn và lạch Vạn theo Chương trình Biển Đông hải đảo. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có sự phát triển nghề cá rất nhanh, trong lúc hệ thống bến, cảng cá đều được xây dựng đã lâu nên tất yếu dẫn đến nhiều bất cập. Nếu trước đây, toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.000 tàu thuyền, các bến, cảng chỉ xây dựng để đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền có công suất lớn nhất từ 200 – 300 CV thì nay, toàn tỉnh đã có trên 4.000 tàu, trong đó gần 1.400 tàu có công suất trên 90 CV trở lên, riêng năm 2014, đã có 147 tàu đóng mới công suất trên 90 CV, trong đó 36 tàu trên 400 CV. Do đó, các tàu lớn khi muốn ra vào cảng phải chờ nước lớn do cửa lạch chưa được đầu tư nạo vét; các cầu cảng chưa đảm bảo dẫn đến việc giải phóng hàng chậm, ảnh hưởng chất lượng cũng như an ninh trật tự trên địa bàn do hiện tượng tranh giành nhau, tư thương ép giá…
Chiều cuối năm, trong màn mưa rây lạnh, những con tàu nối nhau cập bến cá Lạch Quèn (Tiến Thủy – Quỳnh Lưu). Từ trên thân tàu, những thùng cá được chuyền xuống, phân loại, đưa đi tiêu thụ. Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy – ông Hồ Hoàng Nghiệp cho hay: Bến cá này phục vụ cho tàu của các xã Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa và Quỳnh Long cập bến, đổ cá, với tổng số tàu lên đến trên 700 chiếc. Theo ông, vùng này giao thông thuận lợi, các cơ sở dịch vụ phục vụ tàu ra khơi như xăng dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm phát triển mạnh, không những cung cấp nhu cầu cho số tàu thuyền trong huyện, mà các tàu từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng cũng về đây cập cảng.
Tuy nhiên, vào rộ mùa cá từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, hàng trăm con tàu về cập bến, nhưng bến mới chỉ đáp ứng được gần 40% nhu cầu, cho khoảng 30 tàu trong một lần cập bến. “Những khi quá tải, các tàu phải chờ nhau có khi 5 – 6 tiếng đồng hồ mới cập bến và xả hàng được. Mùa hè, việc chờ đợi ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, nhất là với những tàu nhỏ, hệ thống bảo quản chưa thực sự chuẩn. Cũng do bến chật chội, nên những thời điểm tàu về đông, các tàu nhỏ thường bị va đập, hư hỏng tài sản trên tàu do bị các tàu lớn áp sát, va vào” – ông Nghiệp cho biết.
Bến cá Lạch Quèn được xây dựng từ năm 2005, đến nay hầu như chưa được đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng sửa chữa, nên đã xuống cấp rõ rệt. Mặt bến lún sụt, ngấm nước, ô nhiễm môi trường do nước bẩn, hệ thống chống va, các cọc neo đã bị vỡ, hư hỏng, nên khi tàu thuyền vào đành phải dùng dây cột lên các cây cọc phía bên kia đường để neo, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Bà con đang rất mong xây dựng được một tuyến kè để tàu thuyền có nơi neo đậu ổn định gắn với thuận tiện giao thông và đảm bảo an toàn cho 168 hộ dân sống dọc con lạch. Để mở rộng bến cá, địa phương đã tiến hành quy hoạch khu đất rộng 1,7 ha ở thôn Đức Xuân, nhưng với mức kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, sức dân có hạn nên đang đành…“treo”!
Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).
Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, số tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản của huyện Quỳnh Lưu đã tăng từ 200 lên 1.200 chiếc, và nếu trước kia hầu hết tàu thuyền chỉ có công suất 400 CV trở lại, thì nay trong tổng số 1.200 tàu thuyền, đã có tới 662 tàu có công suất lớn, chuyên đánh bắt xa bờ. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, mỗi năm sản lượng đánh bắt thủy, hải sản của Quỳnh Lưu lên tới trên 50 nghìn tấn, toàn huyện có thêm ít nhất 30 – 50 tàu đóng mới/năm. Để luân chuyển sản phẩm tôm cá lên bờ, đưa vật tư đi biển xuống tàu thuyền, thì cần có cơ sở hạ tầng tương ứng, thế nhưng thực tế hiện nay các bến cá, khu neo đậu đều chưa đáp ứng được nhu cầu.
Quỳnh Lưu có 2 cửa lạch chính là Lạch Quèn và Lạch Thới. Trong đó Lạch Quèn có quy mô lớn hơn, bắt đầu được Nhà nước đầu tư xây dựng một số hạng mục như cầu cảng ở phía bờ Nam, thuộc xã Quỳnh Thuận và một bến cá ở xã Tiến Thủy từ năm 2005 – 2006, sau đó địa phương thu hút thêm một dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp khu vực neo đậu tránh, trú bão lạch Quèn, nạo vét luồng lạch và xây dựng 5 tuyến kè với chiều dài trên 2 km.
Tuy nhiên, công trình chủ yếu phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão. Bên cạnh đó, khi xây dựng cầu cảng, mục tiêu là để phục vụ tàu thuyền neo đậu, nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghề khai thác thủy, hải sản trong khi cơ sở hạ tầng không theo kịp, nên đây còn là nơi phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa lên xuống tàu. Lạch Quèn cũng do được xây dựng từ lâu, nên hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Khi xây dựng cầu cảng, tàu thuyền chủ yếu có công suất dưới 200 CV, có thể neo đậu được 10 tàu. Từ năm 2005 đến nay, số tàu đánh bắt xa bờ đã tăng gấp 3 lần, công suất tàu cũng tăng từ 3 – 4 lần, do đó quá tải là điều tất yếu.
Trước tình trạng quá tải của hạ tầng nghề cá, huyện Quỳnh Lưu chủ trương tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư mở rộng các khu neo đậu. Kế hoạch sẽ làm mới 3 tuyến kè có chiều dài 3 km, với nguồn vốn dự kiến trên 100 tỷ đồng.
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi hàng hóa của bà con ngư dân, Quỳnh Lưu chủ trương tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp vận hành, quản lý. Hiện đã có 11 doanh nghiệp vào đăng ký đầu tư, thuê đất xây dựng các bến cá, cảng, nhà xưởng chế biến thủy sản trên địa bàn. Huyện đã tiến hành quy hoạch hai khu đất phục vụ chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá tập trung, thời gian tới sẽ tiếp tục quy hoạch thêm một số cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư vào, đáp ứng phục vụ nhu cầu hậu cần cho khai thác xa bờ.
Tình trạng bất cập, quá tải hạ tầng nghề cá cũng xảy ra ở địa bàn Diễn Châu. Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) có 396 tàu thuyền, trong đó 66 chiếc có công suất từ 90 – 500 CV. Ngoài Diễn Ngọc, bến Lạch Vạn nằm trên địa bàn xã được xây dựng từ năm 2003 còn là chỗ neo đậu, trao đổi hàng hóa cho cả đội tàu của các xã Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Vạn, Diễn Thành nhưng đến nay đã bộc lộ một số bất cập.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thời gian qua, cảng cá đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, nhưng đáng ngại nhất hiện nay là luồng lạch ở đây rất cạn, tàu thuyền ra vào rất khó khăn nhưng không có kinh phí để nạo vét. Bởi vậy, tàu thuyền muốn vào phải chờ nước thủy triều lên to, tình trạng tàu về đúng lúc thủy triều rút, phải nằm chờ 4 – 5 tiếng đồng hồ thường xuyên xảy ra.
Ông Trần Hữu Tiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Từ chương trình vay vốn của Ngân hàng Thế giới, trong 2 năm (2013 – 2014), Nghệ An đã đầu tư 30 tỷ đồng nâng cấp cảng cá Lạch Vạn, trở thành một trong những cảng đảm bảo điều kiện về vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn quốc tế, ngoài ra còn xây dựng cầu cập phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa.
Hiện tại, Dự án đầu tư mới Cảng cá Lạch Cờn (Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu) cũng đã được phê duyệt, với tổng mức đầu tư lên tới gần 70 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, dự kiến khởi công trong quý 2/2015, sau 18 tháng có thể đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cập bến cho 500 – 700 tàu, phía trong là khu neo đậu tránh trú bão. Ngoài ra, cảng cá cửa Hội cũng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng, dự kiến khởi công trong quý 3 và quý 4 năm 2015, với tổng nguồn vốn gần 110 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đảm bảo cho tàu có công suất 400- 1.000 CV ra vào thuận lợi.
Với bến cá Lạch Quèn, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Ngành Nông nghiệp đã lập dự án, xin ý kiến thỏa thuận của Bộ KHĐT, dự kiến đưa vào triển khai trong năm 2016, với số vốn 90 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu cập bến cho 250 – 300 tàu công suất lớn. Với những dự án đầu tư đó, hy vọng trong tương lai gần, nhu cầu về cảng cá, bến cập phục vụ cho đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn sẽ cơ bản được đáp ứng.