Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo” tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực và trở thành điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới.
Quỳnh Phương là phường ven biển đất chật, người đông, có nhiều người dân ở địa bàn khác đến làm ăn, buôn bán, nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khá phức tạp. Xã có đội tàu hơn 600 chiếc, trong đó có hơn 200 chiếc đánh bắt xa bờ, với hơn 700 lao động tham gia đánh bắt thủy sản, trong đó hơn 70% lao động ở độ tuổi từ 15 – 35. Đại úy Hồ Phi Tráng, Trưởng Công an phường cho biết, trình độ dân trí của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên còn hạn chế, hiểu biết về pháp luật chưa cao. Nhiều thanh niên sau chuyến đi biển dài ngày trở về đã dùng số tiền kiếm được vào việc ăn chơi, vướng vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Những năm qua, tình trạng vi phạm pháp luật đối với số thanh niên gia tăng, Quỳnh Phương trở thành “điểm nóng” về ANTT.
Ngư dân phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) chuẩn bị ra khơi.
Việc xử lý cũng như răn đe, giáo dục các đối tượng này rất khó khăn do đặc thù nghề biển. Nhiều thanh, thiếu niên sau khi vi phạm pháp luật khi bị cơ quan công an phát hiện đã tìm cách đi biển dài ngày để trốn tránh trách nhiệm. Trước thực trạng đó, được sự đồng ý của Công an Thị xã, Công an phường Quỳnh Phương đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo”.
Tháng 9/2014, mô hình ra mắt với 9 tổ tự quản gồm 175 hội viên (chủ tàu) tham gia. Ông Hồ Xuân Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, Trưởng ban chỉ đạo thành lập mô hình cho biết: Mục đích của mô hình là tuyên truyền cho tất cả hội viên, thành viên đánh bắt, khai thác hải sản trên biển cũng như trên đất liền nhận thức và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, khuyến khích nhân dân tích cực ra khơi, bám biển vừa lao động sản xuất, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cũng như phát huy vai trò tương trợ, cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ lẫn nhau và nêu cao tinh thần đoàn kết để phát triển kinh tế.
Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, công an phường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho ngư dân về các quy định của pháp luật, cử cán bộ đến từng gia đình hội viên nắm bắt tình hình, tuyên truyền không sử dụng các loại kích điện, chất nổ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, công an còn tổ chức ký cam kết cho 100% các hội viên về đảm bảo ANTT; khi trên thuyền có người vi phạm pháp luật thì chủ tàu không cho đi và báo cáo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý.
Nhờ sự tích cực của các tổ tự quản cũng như lực lượng công an, nên nhận thức của các hội viên ngày càng được nâng cao, tình hình vi phạm pháp luật giảm hẳn và đặc biệt, không còn tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trốn lên tàu ra khơi đánh cá. Cùng với đó, các hội viên đã xây dựng được các tổ tự quản để bảo vệ tài sản khi tàu cập bến và nhờ đó đã ngăn chặn được nhiều vụ trộm cắp. Mới đây nhất, công an phường đã bắt Hồ Văn Toản ở khối Hồng Thái khi đối tượng phá cửa kính để trộm thiết bị có giá trị 5,5 triệu đồng của một chiếc tàu đang đậu trên bến cá.
Nhờ sự tuyên truyền của Hội nghề cá cũng như lực lượng công an, nên ngư dân Quỳnh Phương đã hạn chế sử dụng chất nổ, kích điện trong đánh bắt thủy sản. Nhiều tàu thuyền khi gặp tai nạn luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn. Điển hình như chủ tàu Nguyễn Phúc Sơn, khối Quyết Tiến, trong năm 2014 đã 9 lần tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tàu gặp tai nạn trên biển. Anh Sơn cho biết: Khi tham gia mô hình chúng tôi thấy càng có trách nhiệm hơn với công tác cứu hộ, cứu nạn. Bởi rủi ro trên biển thì khó ai nói trước và việc tương trợ lẫn nhau vừa là tình cảm, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nhằm góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chia sẻ về những kết quả bước đầu của mô hình, ông Bùi Thái Chung, tổ trưởng tổ tự quản số 6 cho biết: Trước đây, nhiều tàu thuyền còn có tình trạng để thuyền viên vi phạm pháp luật đi biển, khi ra khơi còn uống rượu gây mất ANTT, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, nhưng từ khi các chủ tàu được quán triệt thì tình hình này đã cơ bản chấm dứt. Khi tham gia mô hình, người đi biển cảm thấy yên tâm hơn vì xung quanh mình luôn có anh em hỗ trợ. Đối với những hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán xăng dầu lậu, sử dụng chất nổ, kích điện trái phép, ngư dân báo về cho đồn biên phòng. Chúng tôi mong muốn mô hình ngày càng phát triển, không chỉ giúp đỡ cho ngư dân nắm bắt đầy đủ các quy định của pháp luật mà còn hướng dẫn ngư dân nâng cao kiến thức sản xuất, cùng liên kết vươn khơi, bám biển và cùng nhau bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Còn Đại úy Hồ Phi Tráng cho hay, từ ngày có mô hình, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm các tệ nạn xã hội giảm hẳn, ngư dân yên tâm sản xuất, tự giác thực hiện trách nhiệm bảo vệ ANTT và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.