Tàu HQ 996 chở đoàn Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2013 với chủ đề “Khát vọng thanh niên vươn ra biển lớn” thả neo giữa trùng khơi biển cả. Gió nhẹ, sóng êm và trời rất xanh. Bên mạn tàu nhìn về cuối chân trời xa, ai đó nói khẽ như đủ chạm mạch cảm xúc chung của mọi người, chỉ vừa mới xa cán bộ, chiến sĩ và người dân ở những nơi “ba nổi, hai chìm” mà trong lòng đã dấy lên nỗi nhớ cồn cào…
Cây bồ đề của kiều bào ở đảo Sơn Ca
Trưa ngày 7/5/2013, tàu HQ 996 rú lên hồi còi rồi từ từ thả neo cách đảo Sơn Ca không xa. Các thành viên trong đoàn hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2013 (do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức) nhao ra hành lang bên trái con tàu, hướng mắt về đảo Sơn Ca. Cái tên đảo gắn liền với tên một loài chim biển thật thơ mộng, lãng mạn đúng như hình ảnh của nó hiện lên giữa mênh mông biển cả. Giữa trưa nắng rất gắt, không khí thật oi nồng như vốn dĩ bao đời vẫn vậy, song ai cũng náo nức muốn xuống chuyến đầu tiên để được đến với đảo, mặc cho cái rám nắng cứ nhuộm vàng ửng trên những khuôn mặt, cánh tay.
Đảo Sơn Ca giữa biển bao la – Ảnh: Huy Hùng
Một hình ảnh thiêng liêng và rất đỗi gần gũi đập vào mắt chúng tôi là người chiến sĩ tay ôm súng đứng hiên ngang bên cạnh cột mốc chủ quyền trong cái nắng chát chúa. Gần đó, tấm biển chữ trắng viết trên nền màu xanh: “Cây Bồ Đề – Đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, trồng tháng 5/2013” thật ấn tượng. Thấy chúng tôi nằm bẹp xuống nền bê tông nóng rát để “lấy” được cả cây lẫn tấm biển, một chiến sĩ trong bộ quân phục trông rất điển trai lại gần cho biết, “Cây này do đoàn kiều bào ta ở nước ngoài ra thăm đảo vừa trồng hôm trước. Nó còn nhỏ nhưng rất nặng tình nghĩa của kiều bào ta dành cho biển đảo quê hương”. Cây còn rất nhỏ, mới nhô lên khỏi mặt đất chừng một gang tay.
Trò chuyện với chúng tôi về chuyến thăm đảo của đoàn kiều bào vừa qua, một cán bộ ở đây cho biết, trong đoàn có nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Khi làm việc với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, ai nấy trong đoàn cùng bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tấm lòng kiên trung của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, thử thách, thậm chí không tiếc cả máu xương để bảo vệ sự trọn vẹn hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Họ cũng cho biết, qua chuyến thăm này sẽ càng nhân lên tình yêu Tổ quốc, hướng về Tổ quốc nhiều hơn nữa, nhất là các vùng biển, đảo, thềm lục địa. Dấu ấn mà họ để lại không chỉ là những món quà thiết thực, không chỉ là những lời động viên, những lời chúc tốt đẹp nhất mà còn là cây bồ đề mang trong mình nhiều thông điệp rõ ràng với nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới. Mai này, giữa cái nắng gió, trong cái phong ba ấy, tin rằng cây bồ đề do đoàn kiều bào trồng tặng trên đảo Sơn Ca xinh đẹp, yên bình này vươn cao đón nhận màu xanh hòa bình của biển cả.
Hoa bàng vuông, một biểu tượng Trường Sa – Ảnh: Huy Hùng
Rời đảo Sơn Ca, tàu HQ 996 rẽ sóng đến đảo Nam Yết. Sau vài giờ tàu chạy, đảo Nam Yết (còn gọi là đảo Dừa) đã chập chờn trong tầm mắt. Sao lại chập chờn? Bao trùm lên toàn bộ hòn đảo có hình như một cô gái tuổi mới đôi mươi đang vươn mình thể hiện sức trẻ, là một màu xanh ngút ngàn. Nước biển xanh, màu xanh bầu trời hòa cùng một màu xanh đậm của cây cối khiến cho nó trở nên chập chờn, khó nhận dạng. Đã đặt chân lên nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng có lẽ sức hấp dẫn diệu kỳ, khó rời, ngoài tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây thì màu xanh bạt ngàn của cây cối lớn nhỏ là điểm nhấn thật kinh ngạc.
Tâm sự với chúng tôi dưới bóng cây mù u cổ thụ, trung úy Nguyễn Hữu Linh cho biết, ở đây thời tiết rất khắc nghiệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ đều coi, trông nom cây như… chăm con. Nét khác biệt nữa của hòn đảo này so với hòn đảo khác là bạt ngàn dừa. Nếu chụp một bức ảnh về hai hàng dừa sai quả che râm mát cho một lối đi ra biển trên đảo thì ít ai nhận ra được rằng nó được “ghi hình” ở đảo Nam Yết. Dừa ở đây rất nhiều và khó đếm được. Bởi thế, nhiều thế hệ ở đây còn gọi đảo này là đảo Dừa. Tiếp nữa là cây bàng tổ, cây nhàu, cây cha… Người viết hỏi đùa một chiến sĩ, “nơi đây có tổng số bao nhiêu cây lớn nhỏ”, chiến sĩ này lắc đầu, bảo không thể đếm được. Màu xanh của cây mang lại không khí mát lành, màu xanh của cây nơi đây cũng chính là vũ khí.
Cờ Tổ quốc hiên ngang giữa biển
Trước đó nữa, chúng tôi từng đến thăm đảo Song Tử Tây. Khó nói hết tình cảm của quân và dân nơi đây dành cho đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2013. Những cái bắt tay thật chặt, những ánh nhìn thật tình cảm. Buổi cơm trưa của đoàn hành trình cũng như đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ đầu tiên tại đảo đã nói lên tất cả những điều đó. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thuận (quê Quảng Bình), ra đảo làm nhiệm mới hơn bốn tháng tâm sự: “Nghe tin đoàn ra thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng em mừng lắm. Cả đêm không ngủ. Giờ em đã được thỏa mãn khi các anh, các chị dành cho bọn em những tình cảm sâu sắc. Lại còn gặp, giao lưu với nghệ sĩ hài Xuân Bắc, ca sĩ Hoàng Bách… Vui lắm anh ạ”.
Trường Sa là một trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai có dịp tới đây – Ảnh: Nguyễn Hòa
Đảo Đá Nam và đảo Đá Thị được những người “trong nghề” gọi là đảo chìm. Nhô lên giữa hai hòn đảo này là những công trình mà khi nhìn từ xa nó giống như những ngôi nhà “bình dân” phố thị. Tuy không gian nhỏ nhắn như vậy nhưng tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nơi đây dành cho đoàn thật khó tả. Mỗi hòn đảo có những đặc điểm riêng về địa lý, khí hậu nhưng điểm chung bao trùm nhất chính là sự kiên trung, vững vàng, chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Nghệ sĩ hài Xuân Bắc, “cây hoạt náo viên” của đoàn hành trình đã không giấu được sự cảm phục đối với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam, đảo Đá Thị khi nói: “Chúng tôi vô cùng biết ơn các anh đã không quản ngại khó khăn, thử thách, không ngại hy sinh gian khổ để bảo vệ trọn vẹn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến đây, chúng tôi thấy càng phải có trách nhiệm hơn nữa về sự gửi gắm tình cảm của đất liền ra với biển đảo…”.
“Chào đất liền. Tôi là công dân đảo” – Ảnh: Nguyễn Hòa
Nhận lá cờ Tổ quốc từ tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo gửi tặng, chúng tôi không khỏi rưng rưng cảm động. Trường Sa, chưa bao giờ xa.
>> Giữa muôn trùng sóng gió, những lá cờ trên đảo chỉ được mươi ngày lại phải thay. Dù không còn được nguyên vẹn, do gió, mưa gây nên, song những lá cờ Tổ quốc ấy đã nhuộm thắm tình cảm, sự vượt qua gian khó của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. |