Với ngư dân, biển là cánh đồng, trên đó không chỉ có cá tôm mà còn là nơi ngư dân ươm hạt giống hy vọng. Qua mùa biển động, hàng triệu ngư dân lại băng mình ra khơi, như từ trong tâm thức nghe tiếng gọi của biển khơi.
Ra khơi với truyện cổ tích
Cho đến hôm nay người ta ra khơi trong những chuyến biển dài vẫn hồn nhiên như ông cha ta nghìn năm trước: rủ bạn đi cùng. Chủ và bạn được cùng ăn, thua cùng chịu.
Đi bạn, đơn giản lắm, ra bến hỏi tàu nào thiếu người, gặp chủ tàu trò chuyện vài câu, “ngó thấy hạp” là đi; cũng khỏi cần hợp đồng, khế ước gì, vỗ vào tay nhau là xong, dân biển không bội tín. Đợt tôi xin theo tàu câu cá ngừ, chuyến đi cả tháng mà xuống tàu, anh chủ tàu ngó rồi hỏi đúng câu: “Chịu được sóng không”; tôi nói “được”, thế là đi. Lên tàu thành ngay người của tàu, không ai xét nét gì, đến bữa tự sắp bát ngồi vào mâm, cứ như mình đã ở tàu cả năm rồi.
Ra khỏi cửa sông là người của biển, người của “Bà Cậu”. Anh thuyền trưởng, thường là chủ tàu chỉ huy chung, ngoài công việc cũng là bạn “làm phân việc, ăn không phân mâm”. Có đi biển mới thấu câu “chung một con thuyền”, trên thuyền không có chuyện tị nạnh nhau, không bè phái, không “lợi ích nhóm”, tóm lại người ta không biết “khôn”. Một lẽ khác khiến cái từ đi bạn là thực chất chứ không phải đặt cho đẹp ý, lấy lòng người nghèo: Người đi biển không bỏ nhau khi hoạn nạn, bỏ nhau thì “mạt rệp”. Điều này của cải tiền bạc không tạo nên được, chỉ có anh em, bè bạn thân thiết mới có được.
Người đi biển lâu, lên bờ sống khó lắm, lên bờ đa phần cũng chỉ làm thuê, khó có tích lũy, cũng chỉ “hai tay vơ bỏ miệng”. Đi biển còn “hy vọng”, một bác ngư dân gần 50 tuổi trên con tàu tôi đi lý giải. Cái hy vọng bác nói đến là mong một mùa biển trúng. Hạt giống hy vọng ngư dân nào cũng “có đủ đất” trên biển để gieo trồng, để khẩn cầu “Bà Cậu” thương mà đoái đến cho nó kết trái. Chất “cổ tích” luôn hiện hữu trong nghề biển. Tàu cá nào cũng như chở đầy chuyện cổ tích: Ngày xửa ngày xưa… mấy năm trước, thuyền trưởng, ông chủ ấy cũng là một ngư dân nghèo…
Ảnh: Xuân Trường
Thiếu thầy nghề và nhiều thứ nữa
Nghề biển cứ như tự đến với con cái ngư dân, cũng như nghề nông tự đến với con nhà nông vậy. Người sau theo người trước, anh chủ tàu hôm nay là… cậu bé thổi cơm trên tàu hôm qua, lần lượt qua từng chặng sóng gió để tự học lấy việc phải làm, để được hưởng chính thức xuất đi bạn… Nghề, nếu gọi là thế, học từ những người khác trên tàu. Còn học, thành nghề thực thụ, bài bản thì hình như… không ngư dân nào của ta được học. Chấp nhận kiếp đi biển đa phần là nghèo, ít ai học hết lớp 12. Có lần một ngư dân bảo tôi, “học hết lớp 12 đi biển chi cho phí”. Người làm không được học, cũng không học được nữa; người được học lại không biết làm, hoặc không muốn làm “cho phí”. Tâm thế hên xui ngự trị nghề biển. Những thuyền trưởng lão luyện cũng không dám khẳng định sẽ thắng trong chuyến biển này hay khác. Sự làm của ngư dân không gắn với sự đúc kết mang tính khái quát để thành “nghề” thực thụ. Cũng vì thế mà thiếu những người tích cóp đủ kinh nghiệm và kiến thức thành “thợ cả” trong nghề biển, và càng thiếu những “thầy nghề”. Quan hệ “chủ – bạn” tạo cho nghề cá tính nhân văn đặc biệt. Nhưng “bạn” không phải sự ràng buộc; sau mỗi chuyến biển, chia cá chia tiền xong, có thể chia tay nhau, cũng đơn giản như khi đến với nhau. Kinh nghiệm đánh bắt chủ yếu tích lũy ở thuyền trưởng, hầu như không qua đào tạo, mỗi người có “kho” riêng, ít chia sẻ và không được đúc kết.
Nghề biển chúng ta hôm nay thiếu gì? Nhiều thứ lắm, thiếu tàu to, thiếu kỹ thuật, thiếu công nghệ… Nhưng quan trọng nhất là thiếu chất xám đồng hành cùng ngư dân trên biển đúc kết, tiếp nhận cái mới để thay đổi căn bản nghề cá nhân dân, hay gọi đúng hơn là nghề cá tự phát thành nghề cá đích thực, được tổ chức và điều hành bởi những người không chỉ có kinh nghiệm, may mắn mà phải có cả kiến thức.
Hãy ra biển cùng ngư dân
Nếu những người đi biển biết tị nạnh, chắc sẽ hỏi: “Sao những vụ lúa, vụ tôm nhiều kỹ sư, nhà khoa học quan tâm đến thế”. Giá như mỗi vụ cá có chừng một phần mười những “hội thảo đầu sóng” như những vụ lúa, vụ tôm… Một câu hỏi không dễ trả lời: “Hàng nghìn kỹ sư khai thác được đào tạo bài bản tại các trường đại học, họ đang làm gì, ở đâu?”. Không dám chắc rằng không có ai trong số họ làm nghề đánh bắt hải sản, nhưng nếu có cũng ít lắm. Xin hãy trả họ về với biển khơi, để họ hành cái nghề họ được học. Liệu ai có thể hơn những người này giúp ngư dân nâng cao năng suất đánh bắt, giảm thất thoát, hoàn thiện chuỗi giá trị trên biển…
Sau mùa biển động, ngư dân lại vươn khơi – Ảnh: Xuân Trường
Một lỗ hổng rất lớn trong khai thác thủy sản là thiếu hẳn sự liên kết giữa “các nhà” với ngư dân. Trong tất cả các khâu, từ đóng tàu, khai thác đến sơ chế, bảo quản, ngư dân vẫn “tự bơi” là chính. Và khác các ngành kinh tế khác, thiếu vắng các nhà đầu tư, dù trên biển không thiếu cơ hội.
Mọi khâu trong chuỗi đánh bắt đến tiêu thụ của nghề cá đều đầy yếu kém. Sự yếu kém ấy chính là những việc cần làm, cũng chính là những khoảng trống mênh mông để… kiếm rất nhiều tiền. Không phải từ túi anh ngư dân mà từ những thất thoát và làm tăng giá trị sản phẩm đánh bắt. Hồi giữa năm tôi gặp một ngư dân đặc biệt, Lê Văn Sang ở Đà Nẵng. Anh là cử nhân, hình như là cử nhân duy nhất lao ra biển như một ngư dân. Ra biển, Sang nhận định: “Nhìn đâu cũng thấy tiền”. Từ sắp xếp lại việc chuyển cá ngoài khơi vào bờ, thay đổi một chút cách làm lạnh cá, tổ chức liên kết đánh bắt để sử dụng tối đa năng lực từng chiếc tàu trong đội tàu… Tiếc rằng những người như Sang trên biển ít quá, không nói là đơn độc.
>> Năm 2014, với nghề cá tương lai, có thể là một mốc đánh dấu bước chuyển, khi Nghị định 67 ra đời, đi vào thực hiện cùng nhiều dự án của ngành NN&PTNT. Cơ chế và nguồn vốn như điểm tựa, động lực để đổi thay nghề cá đã có, guồng máy đã vận động. Mong “các nhà” hãy ra khơi, cùng ngư dân viết tiếp câu chuyện “cổ tích” luôn có sẵn trong nghề cá. |