Tổng diện tích rừng ngập mặn của Cà Mau là 35.000 ha, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Từ chỗ chỉ làm chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, cân bằng môi trường thiên nhiên, người dân đã biết tận dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thủy sản phát triển kinh tế.
Người dân Cà Mau nuôi cua ở rừng ngập mặn cho hiệu quả cao ; Ảnh: Huỳnh Lâm
Ban đầu, bà con nuôi tôm nhưng nuôi tôm độc canh thu nhập hạn chế nên nhiều hộ đã mở rộng nuôi cua và nhiều loại cá (cá đối, cá chẽm, thòi lòi…). Nuôi thủy sản theo hình thức này đơn giản, chỉ cần be bờ bao để phân biệt ranh giới đất giữa các hộ, cá giống tự nhiên, nuôi không cần cho thức ăn, thả nuôi 3 tháng là bắt đầu cho thu nhập hàng ngày.
Theo Trung tâm Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT Cà Mau, hơn hai năm qua đã có trên 400 hộ nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Thấy được hiệu quả, Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình này.