Cà Mau: Phát huy thế mạnh từ tôm sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau, tôm được xác định là mặt hàng chiến lược và có nhiều lợi thế cạnh tranh, đóng góp giá trị 1,3 tỷ USD toàn ngành thủy sản địa phương. Nhưng, để duy trì và phát triển bền vững tiềm năng này, Cà Mau cần tăng cường xây dựng chuỗi liên kết và phát triển tôm sinh thái bền vững.

Ghi công với tôm

Theo thông kê, năm 2014 tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt 490.000 tấn, vượt chỉ tiêu đề ra gần 20.000 tấn, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 150.000 tấn, tăng 12%; khai thác biển đạt 140.000 tấn, tăng 5% so cùng kỳ. Đây là sản lượng cao kỷ lục từ trước đến nay của tỉnh này. Sản lượng chế biến gần 180.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu, đáng chú là kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Cà Mau đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 200 triệu USD so năm trước. Rõ ràng kinh tế thủy sản của Cà Mau xứng đáng là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Điểm đáng chú ý là mấy năm trước người dân chỉ nuôi quảng canh cải tiến mới được mùa thì năm 2014 nuôi trên đất trồng lúa, trồng rừng, thậm chí cũng có một số hộ nuôi tôm công nghiệp cũng được bội thu.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để thủy sản địa phương phát triển ngang tầm với lợi thế và tiềm năng, năm 2015 Cà Mau tập trung vào nuôi trồng. Theo đó, sẽ nhân rộng những hình thức nuôi có hiệu quả, trong đó nhân rộng mô hình nuôi quảng canh cải tiến, nuôi trên đất trồng lúa, nuôi thử nghiệm công nghiệp.

 

Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất là một trong những nỗ lực của Cà Mau hiện nay. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, các doanh nghiệp thủy sản và người dân đã liên kết khá chặt chẽ, trao đổi về tổ chức trong liên kết sản xuất và hỗ trợ nhau trong sản xuất; gắn trách nhiệm của người dân với doanh nghiệp; người nuôi tôm thực hiện khá đúng quy trình kỹ thuật. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh và xuất khẩu thủy sản.

Nuôi tôm gắn với phát triển bền vững là mục tiêu của Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ

Chuỗi liên kết mới có nhiều chính sách cho cả người nuôi tôm và nhà doanh nghiệp; Theo đó, người nuôi tôm sẽ được mua trực tiếp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ doanh nghiệp với mức giá ưu đãi. Sau khi thu hoạch sản phẩm được  bán trực tiếp tôm cho doanh nghiệp chế biến, bỏ qua hai trung gian đầu mối như trước đây, theo đó đôi bên cùng có lợi.

Để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, các công ty giống thủy sản trong tỉnh đã tiên phong ký kết trong chuỗi sản xuất với những điều khoản có lợi nhất cho người nuôi tôm địa phương, đây được xem là yếu tố quyết định đến năng xuất cũng như sản lượng của vụ nuôi. Tiếp đó, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch và tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng mà các bên cần thực hiện khi tham gia chuỗi liên kết và sẽ tiến hành ký kết trong thời gian tới.

 

Bền vững tôm sinh thái

Rừng ngập mặn của Cà Mau chiếm 1/2 tổng diện tích rừng ngập măn cả nước, Cà Mau cũng là tỉnh chiếm 1/2 tổng diện tích nuôi trồng và ¼ tổng sản lượng tôm của cả nước. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, việc nuôi tôm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam, nơi có đường bờ biển dài, nằm ở độ cao thấp với dân cư tập trung đông, dễ bị thiệt hại nặng trước tác động của bão nhiệt đới và nước biển dâng. Vì vậy, phát triển bền vừng nghề nuôi tôm cần đi liền với bảo tồn rừng ngập mặn.

Chính vì vậy, để góp phần giải quyết những vấn đề đối lập này một cách hài hòa, IUCN và Tổ chức phát triển Hà Lan SNV đang thực hiện một dự án ở tỉnh Cà Mau nhằm giúp người nuôi tôm nhận các chứng chỉ tôm sinh thái. Đây là 1 dự án 4 năm được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMU); Mục tiêu, tạo vị thế bền vững hơn cho ngành tôm, tăng cường sức chống chịu của khu vực bờ biển trước biến đổi khí hậu. Dự án hoạt động trên diện tích 12.500 ha của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) là khu vực sinh sống và canh tác của khoảng 2.600 hộ nuôi tôm.

Sản phẩm tôm rừng Cà Mau đã được chứng nhận sinh thái, điều này giúp giải quyết vấn đề các yêu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, cùng với các lo ngại về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm nhận được giá cao hơn trên thị trường.

>> Cà Mau muốn mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái lên toàn bộ diện tích 20.000 ha nuôi tôm kết hợp trồng rừng vào năm 2020. Mục tiêu, xây dựng một “vùng bờ biển sinh thái” vừa sản xuất tôm được chứng nhận với giá trị cao, vừa bảo vệ trước tác động của nước biển dâng và thiên tai ngày càng mạnh lên. Nuôi tôm kết hợp trồng rừng vừa là một cách thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời cung cấp nhiều lợi ích khác (tiêu biểu là bãi đẻ, nơi cư trú cho các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao).

Lâm Phú Hữu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!