Năm 2014, Khuyến nông huyện Cai Lậy đã gắn kết hoạt động khuyến nông với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều mô hình trình diễn cho kết quả tốt.
Cụ thể, khuyến nông huyện đã thực hiện tốt một số mô hình trình diễn như “Sản xuất lúa một phải năm giảm và trồng hoa sinh thái”, quy mô 40 ha/65 hộ dân tham gia thực hiện tại xã Mỹ Thành Bắc. Thực hiện vụ 3 năng suất 6.5 tấn/ha, do Công ty Lương thực bao tiêu giá 5.250 đồng/kg cao hơn giá bên ngoài 100 đồng/kg, lợi nhuận 21.400.000 đồng/ha cao hơn ngoài mô hình 5.000.000 đồng/ha. Hiện ấp 2 và ấp 4 xã Mỹ Thành Bắc đã thống nhất với Công ty Lương thực bao tiêu lúa vào 3 vụ năm 2015 là 170 ha. Khi tham gia mô hình, nông dân giảm được phân và thuốc trừ sâu nên góp phần tăng lợi nhuận thêm cho nông hộ.
Mô hình “Chăn nuôi heo an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học” thực hiện tại xã Tân Phong, Cẩm Sơn và Mỹ Thành Bắc với 5 hộ tham gia. Khi tham gia mô hình tỷ lệ mắc bệnh của heo giảm 50 – 70%, từ đó làm giảm chi phí sử dụng thuốc thú y. Giảm dùng điện, nước 80% để làm vệ sinh chuồng trại, giảm 70% chi phí thay chất lót chuồng, giảm 10% công lao động tại nhà. Sau 4 tháng nuôi, tiết kiệm được 3.000.000 đồng/10 con heo. Mặt khác đệm lót sau khi sử dụng còn làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Mô hình góp phần bảo vệ môi trường và hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới chăn nuôi sạch. Mô hình này có hiệu quả tốt đang được nhiều hộ dân áp dụng để nhân rộng.
Đặc biệt, mô hình “Nuôi cá thát lát còm trong ao” có quy mô 1.000 m2/hộ cho 2 hộ tham gia tại xã Tân Phong. Hiện đang theo dõi mô hình, cá phát triển tốt, ước năng suất 4,5 tấn/ha. Mô hình đã góp phần đa dạng hóa giống loài thủy sản nuôi trong ao.
Nuôi cá thát lát cho hiệu quả cao – Ảnh: Trần Út
Ngoài ra, dự án “Nhân rộng mô hình kết hợp nuôi cá – lúa” thực hiện tại xã Phú Cường có quy mô 1 ha/5 hộ/50.000 con cá giống, thả cá rô đồng là chính, mật độ 5 con/m2. Qua 7tháng nuôi cá phát triển tốt, đạt yêu cầu của mô hình, cỡ cá trung bình: cá rô đồng, cá chép, mè vinh dưới 10 con/kg, cá sặc rằn 13 con/kg, hiện đang thu tỉa cá lớn bán. Ước năng suất cá sau 9 tháng nuôi trên 3.5 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 30 – 40 triệu đồng/ha. Về lúa thì năng suất vụ 3 đạt 6 – 6,5 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm so với ngoài mô hình do giảm được phân bón và thuốc trừ sâu nên lợi nhuận tăng thêm 3 – 4 triệu đồng/ha. Vậy mô hình kết hợp cá – lúa lợi nhuận cao gấp 2 lần so với chỉ trồng 3 vụ lúa. Mô hình được nhiều người đến tham quan, có khả năng nhân rộng tốt. Mô hình đã tạo ra sản phẩm cá – lúa sạch, sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua tổ chức tập huấn, hội thảo được 124 cuộc, có hơn 2.692 lượt nông dân dự và sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông được 124 cuộc với 2.342 lượt nông dân dự. Với các nội dung như chương trình 1 phải 5 giảm; công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa; sản xuất theo hướng GAP, chăn nuôi ứng dụng đệm lót sinh học, nuôi thủy sản an toàn sinh học… được nông dân đồng thuận và áp dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt.