Chiếc tàu đầu tiên ở Quảng Ngãi được đóng mới từ nguồn tín dụng Nghị định 67 đã ra khơi. Chủ tàu có phương án thực hiện đúng nội dung đã cam kết với ngân hàng khi vay vốn.
Ngư dân mê con tàu này vì bên trong tàu có sự thay đổi hoàn toàn so với tàu truyền thống. Thân tàu dài hơn 22 mét nên hầm đá được thiết kế rộng có thể chứa được 2.000 cây đá lạnh. Hầm đá được bảo ôn bằng xốp phun lỏng rất tốt. Tàu rộng 6,8 mét; cao 3,5 mét (tàu khác chỉ dài 17 – 18 mét). Thân tàu được phủ 4 lớp nhựa composite. Toàn bộ phần chìm dưới nước đều được bọc lót composite nhằm tăng độ bền. Phần lớn các tàu chỉ sử dụng 1 chân vịt; tàu 67 được tăng sức mạnh nhờ bố trí 2 chân vịt.
Tàu được đóng rộng rãi nên trong cabin bố trí được 7 giường cá nhân, một giường tập thể. Các giường được bố trí theo kiểu giường tầng và cách nhau bằng lối đi. Mỗi giường đều có ngăn tủ cá nhân. Trước đây, ngư dân đều ngủ chung một dãy trên sàn cabin cũng chính là lối đi lại; ngư dân thường nói đùa là ngủ trên đống cá. Phía sau tàu 67 được thiết kế nơi nấu ăn và một nhà vệ sinh.
Tàu to đối phó giông bão
Chui xuống hầm tàu, ông Sáu choàng tay qua chiếc máy tàu của Mỹ có nước sơn vàng bóng. Ông cười sung sướng: “Anh Sáu chơi máy Mỹ, máy Nhật, tàu ra Hoàng Sa tha hồ mà đua”. Máy chính là Caterpillar của Mỹ, hàng nhập khẩu, công suất 405 mã lực, giá 1,6 tỷ đồng. Máy phụ là loại 8 Hino, hiệu Yanmar (Nhật), công suất 360 mã lực, giá 450 triệu đồng. Vận tốc tàu khoảng 12 hải lý/giờ. Từ trước đến nay ngư dân Việt Nam thường chỉ mua máy thủy của nước ngoài đã qua sử dụng, giá chỉ vài trăm triệu đồng; máy thủy nguyên đai nguyên kiện thì không đủ tiền mua.
Ông Nguyễn Sáu (Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) nhắc chuyện ra Hoàng Sa “đua như gió”, cũng có nguyên nhân. Đó là vào tháng 5/2014, nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ông Sáu nổi nóng: “Chỗ đó mình băng qua làm biển hoài, nó tính rào ngõ rào đường à?”. Ông Sáu sẵn sàng đưa 2 con tàu của mình ra biển tham gia đấu tranh. Ngày 27/6/2014, ông Sáu gác tổng đài và cử con rể là thuyền trưởng Hà Hành đưa hai tàu Quảng Ngãi 98723 TS và 98219 TS tiến thẳng vào khu vực giàn khoan. Hai chiếc tàu này nhỏ nên liên tục bị tàu đánh cá của Trung Quốc ép. Có lúc Hà Hành điện đàm vào cho cha, báo tin nóng sốt “Hai chiếc nó kẹp sát 2 bên, đua với mình. Chúng dập ra dập vô làm tàu mình bể, rạn hết, về phải kéo lên làm nước vài trăm triệu đồng…”.
Tàu 67 của ông Nguyễn Sáu được trang bị máy móc hiện đại – Ảnh: Văn Chương
Khi 2 tàu này trở về bờ với những thương tích trên thân gỗ, ông Sáu quyết định chuẩn bị đóng tàu mới và thật lớn. Nhưng sau đó không lâu, Chính phủ ban hành Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân. Lộ trình đóng tàu của ông Sáu đã được lên lịch, nay Nhà nước có chủ trương, đóng tàu to Nghị định 67.
“Theo nghề biển nên đóng tàu 67”
“Đóng tàu 67 thì phương án đánh bắt và trả nợ Nhà nước thế nào?”. Ngư dân Nguyễn Sáu khẳng định, “ai hâm mộ nghề biển thì mới có thể đứng ra đóng tàu 67”. Ông Sáu sinh năm 1950. Từ năm 1978, ông đã lái chiếc thuyền chỉ dài 12 mét ra tới vùng biển quốc tế để đánh cá. Tàu chạy bằng máy 15 mã lực. Ông thuyền trưởng da đen nhẻm, suốt ngày ngóng mây, nhìn trăng, sao… để định hướng, vì không có định vị. Còn bây giờ, cưỡi tàu hiện đại, có đủ thiết bị dò cá, ông Sáu như đại bàng thêm cánh bay ra biển bao la.
Ông Sáu vạch chiến lược để tàu 67 thực sự là tàu mẹ. Tàu sẽ bám biển dài ngày hơn ngoài khơi. Nếu lượng đá 2.000 cây thì có thể trụ ngoài biển 45 ngày. Nhưng tàu đánh được khoảng 17 tấn cá thì trút sang tàu con chở vào bờ và chở nhiên liệu ra tiếp ứng cho tàu mẹ. Phương án đánh bắt hay, nhưng quyết định thành công cho nghề lưới vây phụ thuộc lớn vào kinh nghiệm của thuyền trưởng. Liệu người điều khiển con tàu có sức chở 100 tấn cá (gấp 7 lần tàu bình thường) có đủ sức tìm đến nhiều tọa độ cá? Nhiều ngư dân địa phương khẳng định “ông Sáu phong phú kinh nghiệm, đánh đâu trúng đó, nhất là với nghề lưới vây”.
Ông Sáu nói, nếu tàu 67 tiếp tục gặp luồng cá lớn cỡ đó thì chở trọn 100 tấn và chuyện trả nợ Nhà nước hoàn toàn khả quan.
>> Tiến độ hoàn thành hồ sơ và đóng tàu 67 của ông Nguyễn Sáu được triển khai rất nhanh. Tổng chi phí 6,3 tỷ đồng (vỏ tàu, máy tàu 5 tỷ; lưới 1,3 tỷ); chủ tàu được vay ưu đãi 4,4 tỷ. |