T2, 06/07/2020 11:30

Bình Đại (Bến Tre): Ngư dân tăng cường liên kết để vươn khơi bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề đánh bắt thủy sản đã gắn liền với ngư dân huyện Bình Đại từ trước năm 1950 khi làng cá Bình Châu mới hình thành. Đến nay, nghề đánh bắt thủy sản đã phát triển mạnh, chủ yếu là đánh bắt xa bờ và trở thành nguồn kinh tế chủ lực của huyện.

Toàn huyện hiện có 1.202 tàu đánh bắt thủy sản, với tổng công suất hơn 358.000 mã lực, trong đó đánh bắt xa bờ có 545 tàu, tổng công suất 338.231 mã lực, tổng sản lượng khai thác thủy sản mỗi năm đạt hơn 55.000 tấn tôm, cua, cá các loại.

Trước đây, ngư dân đánh bắt cá trên biển thường hoạt động riêng lẻ, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ. Xuất phát từ việc chi phí phục vụ hậu cần ngày càng tăng, thời tiết biến đổi bất thường nên những năm gần đây các tàu cá đã chủ động liên kết thành các tổ khai thác, để nhằm hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn trong quá trình đánh bắt.

Thời điểm này, toàn huyện đã thành lập được 34 tổ liên kết, thu hút hơn 381 tàu cá tham gia. Mỗi tổ có từ 4 tàu trở lên. Mô hình này đã mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, ngư dân phấn khởi, hăng hái ra khơi bám biển, làm giàu cho gia đình và xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đến nay, hầu hết các tổ hợp tác khai thác thủy sản đều hoạt động tốt, số lượng tổ viên ổn định và tăng lên hàng năm.

Đoàn tàu khai thác của huyện Bình Đại

Đoàn tàu khai thác của huyện Bình Đại.

Việc liên kết với nhau theo hình thức tổ khai thác, từng bước giúp ngư dân an tâm bám biển, nhất là đối với các tàu khai thác tại các vùng biển xa, trợ giúp nhau trong sản xuất, tìm kiếm ngư trường, cùng nhau khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức cứu hộ cứu nạn khi thiên tai hay bị sự cố, từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến ra khơi. Sự liên kết chặc chẽ của tổ khai thác đã giúp ngư dân trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật với nhau, cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất.

Hiện nay, ngư dân tham gia các tổ sản xuất trên biển ngoài việc được hưởng những chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính Phủ về các chính sách đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên; cung cấp các dịch vụ công ích như thông tin về ngư trường khai thác, thời tiết, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn……thì còn được hỗ trợ thông tin trong khai thác hải sản, các trang thiết bị thông tin hàng hải, được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Trong đó, huyện cũng tác động các ngân hàng đóng trên địa bàn ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư cải hoán, nâng công suất tàu đánh bắt xa bờ từ 90 mã lực trở lên và hàng năm tổ chức họp mặt ngư dân để thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển thủy sản, đồng thời lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của ngư dân để hỗ trợ, giúp đỡ trong hoạt động khai thác thủy sản.

Nhờ đó, trong năm, ngư dân đã tập trung đầu tư đóng mới 85 tàu đánh bắt xa bờ và cải hoán nâng công suất máy 135 tàu từ 90 mã lực trở lên.

Từ hiệu quả hoạt động của tổ liên kết khai thác thủy sản, năm 2015, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm tàu và tình hình thực hiện các quy định về khai thác, khuyến khích, hỗ trợ khai thác thủy sản xa bờ theo mô hình tổ liên kết đánh bắt. Đẩy mạnh duy trì hệ thống thông tin quản lý hoạt động nghề cá trên biển và triển khai thực hiện tốt Nghị định 67 của Chính Phủ về một số chính sách phát triển thủy sản nhằm ổn định, phát triển số lượng tàu khai thác xa bờ, giảm tàu khai thác gần bờ. Phấn đấu trong năm 2015, huyện cải hoán nâng công suất thêm 25 tàu đánh bắt xa bờ, nâng tổng số tàu đánh bắt xa bờ toàn huyện lên 570 tàu, để góp phần tăng sản lượng khai thác thủy sản trong năm đạt 68.000 tấn các loại.

Thanh Hương

Sở NN&PTNT Bến Tre

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!