Xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nổi tiếng với nghề đan vá lưới. Sản phẩm lưới đánh cá ở đây có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong cả nước. Nghề này tạo nhiều việc làm và cho thu nhập khá cao.
Theo những người thợ chuyên nghề làm lưới ở thôn Tân An, thôn Phổ Trường, nghề này đã được hình thành từ lâu nhưng gần chục năm nay mới “nổi”. Một phần do lượng tàu thuyền đánh cá trong xã tăng vọt, nhiều tàu công suất lớn được đóng mới; phần khác do “thương hiệu” ngư lưới của xã ngày càng được nhiều người biết đến, nhu cầu về lưới cũng theo đó ngày càng cao.
Anh Lê Văn Trọng là một trong những chủ hộ hành nghề đan lưới khá quy mô ở thôn Phổ Trường. Cơ sở của anh đang sử dụng 40 lao động. Anh cho biết, muốn có tấm lưới tốt và giữ được khách hàng, các tay đan không những phải khéo léo, nhẫn nại mà còn phải nắm được bí quyết. Tùy loại lưới, trong quá trình gắn phao và chì, phải có kỹ thuật phù hợp. Ví như, với loại lưới kéo, khi gắn phao, điều lưu ý đặc biệt là khoảng cách giữa các phao phải đều nhau, để khi ngư dân thả lưới gặp dòng nước chảy, lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Theo anh, người có tay nghề giỏi có thể kiếm được 150.000 – 200.000 đồng/ngày, thợ bình thường cũng có thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng, khá cao so với nghề khác. Để giữ chân khách hàng, khi xuất bán tấm lưới nào anh đều ghi lại địa chỉ, số điện thoại; thông qua đó tìm hiểu ưu khuyết điểm trong sản phẩm của mình để có hướng khắc phục, cải tiến phù hợp, nâng cao hiệu quả khai thác.
Nghề vá lưới ở xã Nghĩa An giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động
Ông Lưu Tấn Thiện (50 tuổi), thôn Phổ An, đã 8 năm trong nghề ngư lưới. Khi sức đã yếu, ông rời biển, trở về lập cơ sở đan vá lưới. Chỉ ở “tầm trung” nhưng cơ sở của ông giải quyết việc làm cho 15 lao động, mỗi năm thu lãi hơn nửa tỷ đồng. Theo ông Thiện, việc dệt lưới được chia thành từng công đoạn do một thành viên phụ trách (đan, dập chì, đan lưới, vào phao…). Nghề này không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kiên nhẫn rất cao; ai thiếu hai đức tính này có làm lâu mấy cũng chẳng thành nghề. Ngày nay, với sự phát triển khoa học kỹ thuật, sợi cước nilon đủ loại kích cỡ, phao, chì được sản xuất sẵn; đan được tấm lưới dễ hơn trước nhiều. Nhưng nói vậy không có nghĩa nghề lưới dễ hái ra tiền. Kể cả khi có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, người thợ vẫn phải kỳ công mới tạo ra được tấm lưới đủ tiêu chuẩn…
Điểm đặc biệt tại các cơ sở đan vá lưới ở Nghĩa An là chủ yếu sử dụng lao động nữ; lao động nam phần đông là lớn tuổi, không đủ sức đi biển. Với mức thu nhập khá, nghề không quá vất vả này đang được nhiều người chuộng, tạo thêm nhiều việc làm cho số lao động nhàn rỗi, giúp nhiều hộ gia đình khó khăn ổn định cuộc sống. Ông Hồ Văn Lễ, thôn Phổ Trường đã có hơn 5 năm trong nghề đan vá lưới. Ông nói, làm lưới không sợ mất việc, thu nhập ổn định, khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Theo ông Lê Huy Phúc – cán bộ phụ trách thủy sản và các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá xã Nghĩa An, nghề làm ngư lưới cụ là nghề truyền thống của địa phương. Đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của từng hộ gia đình để phục vụ đi biển. Sau đó dần hình thành những cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng này để cung cấp đại trà. Từ năm 2003 đến nay, nghề này ngày càng phát triển mạnh, trở thành ngành nghề chủ lực của địa phương, chỉ sau nghề đánh bắt hải sản. Theo khảo sát của UBND xã Nghĩa An, trong xã này hiện có 11 hộ sản xuất ngư lưới, tập trung chủ yếu ở thôn Phổ Trường với 6 hộ; nhiều hộ đầu tư mua sắm máy móc theo hướng làm ăn lớn…
Tuy nhiên, nghề ngư lưới ở xã Nghĩa An vẫn còn đang gặp một số khó khăn: thiếu vốn; nguyên vật liệu nhập từ địa phương khác, thậm chí nhập khẩu cước từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc với giá ngày càng tăng, trong khi giá sản phẩm không thể tăng nhiều. Nan giải nhất vẫn là diện tích đất chật hẹp, khó mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, những năm gần đây nghề lưới ở đây rất phát triển. Tuy nhiên, địa phương diện tích chật, chưa có quy hoạch nghề này, nên các chủ cơ sở tìm địa điểm để mở rộng cơ sở rất khó khăn.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng nghề ngư lưới ở xã này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh hải sản bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.