Thấy gì từ thuế bán giá tôm của DOC?

Chưa có đánh giá về bài viết

Hằng năm, cứ đầu tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lại đưa ra kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế bán phá giá tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam trước khi công bố chính thức vào tháng 9 cùng năm.

Thường kết quả đánh giá cuối cùng đều trên căn cứ từ lần đánh giá sơ bộ trước đó; nếu năm trước đó đánh thuế bán phá giá cao thì năm sau sẽ giảm và ở mức thấp.

 

Bất lợi từ nước thứ ba

Khi nói về thuế bán phá giá tôm, nhiều doanh nghiệp cho biết, về cơ bản, doanh nghiệp đều chuẩn bị những hồ sơ gửi cho phía Mỹ những năm qua đều giống nhau nhưng kết quả không như nhau qua mỗi năm.Một trong những lý do cơ bản để DOC đưa ra mức thuế bán phá giá các năm khác nhau là căn cứ trên danh sách quốc gia thay thế cho Việt Nam trong việc tính giá thành. Những quốc gia thường được DOC lấy là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippines…; cũng vì thế kết quả khác nhau.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu so sánh với lần xem xét POR 8, khi các doanh nghiệp chịu mức thuế bình quân 6,37%, thì trong lần xem xét sơ bộ này mức thuế đã giảm nhiều. Trong lần công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá của DOC cho khoảng thời gian từ tháng 1/2013 đến 31/1/2014 với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, với mức thuế trung bình xuống dưới 1%, giảm hơn 5 điểm phần trăm so với lần POR 8.

Trong số những công ty thủy sản thuộc diện xem xét hành chính sơ bộ lần này của DOC, công ty chịu mức thuế bán phá giá cao nhất là Minh Phú với 1,5%, tiếp theo là Thuận Phước, Đông lạnh thủy sản 32, Thủy sản Mỹ Sơn là 1,06%, riêng công ty Sao Ta (Fimex Vn) 0%, còn lại những công ty khác 0,93%. Theo ông Hòe, trong lần xem xét sơ bộ POR9, đã có công ty chịu mức thuế 0% và nếu xét trên lý thuyết các công ty còn lại vẫn có thể chịu mức thuế này.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của tôm Việt Nam – Ảnh: Huy Hùng

Theo Tiến sĩ Lê Thị Ánh Nguyệt, Trưởng bộ môn Luật Thương mại quốc tế, khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM, chuyện DOC lấy một quốc gia bất kỳ như Philippines, Indonesia, Bangladesh hay Ấn Độ làm cơ sở tính giá thành sản xuất tôm hay cá tra của Việt Nam phù hợp pháp luật chống bán phá giá của Mỹ. Pháp luật của Mỹ cho phép DOC chỉ cần là nước có nền kinh tế thị trường ở trình độ phát triển có thể so sánh với Việt Nam  làm quốc gia thay thế.

Theo cam kết của Việt Nam khi đàm phán gia nhập WTO, từ năm 2018, Việt Nam sẽ trở thành nước có nền kinh tế thị trường như những nước kể trên. Lúc đó, DOC không chọn quốc gia thay thế để xác định chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam mà dùng giá bán và chi phí sản xuất tại Việt Nam.

 

Xuất khẩu bị ảnh hưởng

Theo VASEP, xuất khẩu tôm năm 2014 sẽ trên 4,1 tỷ USD, tăng gần 25% so năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ sức tiêu thụ mạnh của các thị trường (như Mỹ tăng 28%, EU tăng 66%, Nhật Bản tăng7%, Trung Quốc tăng 8%…), nhờ tận dụng được một số cơ hội thuận lợi (như sản lượng tôm trong nước tăng mạnh trong nửa đầu năm, trong khi sản lượng của 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc tiếp tục giảm do EMS).Tuy nhiên, xuất khẩu tôm chỉ tăng mạnh những tháng đầu năm, sau đó tăng chậm dần và bắt đầu giảm trong 2  tháng cuối năm do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá POR8, mức cao nhất từ trước đến nay các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải chịu.

Vậy, nhiều khả năng, năm nay xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi chí ít ở thị trường Mỹ. VASEP dự báo, xuất khẩu tôm nửa đầu năm 2015 có thể vẫn tăng, song mức tăng trưởng không cao như nửa đầu 2014, do tác động của thuế chống bán phá giá POR8; nửa cuối năm xuất khẩu tôm có thể khó khăn hơn, do phải cạnh với các nước sản xuất các sản phẩm tôm đông lạnh tương tự Việt Nam (như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…), khi sản lượng của những nước này bắt đầu hồi phục. VASEP dự báo xuất khẩu cả năm sẽ ổn định ở mức tương đương năm 2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng và để cứu ao tôm của mình, nhiều nông dân bất chấp tất cả, bằng cách sử dụng các loại kháng sinh cấm lưu hành và một nước nào đó sẽ cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép. Đó mới là nổi lo thường trực của các công ty thủy sản hiện nay.

>> Sau thời điểm DOC công bố thuế bán phá giá tôm của Việt Nam và mức thuế đưa ra cao hay thấp đều ảnh hưởng đến kim ngạch xuất sản phẩm tôm đông lạnh vào thị trường Mỹ.

Út Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!