Nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều địa phương ở tỉnh Ninh Bình triển khai mô hình lúa – cá cho hiệu quả bước đầu.
Khai thác lợi thế
Tại huyện Hoa Lư, Phòng NN&PTNT huyện Hoa Lư đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình lúa – cá tại HTX nông nghiệp Chi Phong, xã Trường Yên” do 3 hộ của HTX nông nghiệp Chi Phong tham gia, với tổng diện tích 12,85 ha. Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ con giống cho các hộ tham gia mô hình với số lượng 13.550 con cá rô đồng giống, 49.800 con cá chép giống, 49.800 con cá trắm cỏ giống; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ về quy trình kỹ thuật nuôi cá rô đồng từ khâu cải tạo ao, thả giống, chăm sóc, quản lý ao nuôi và theo dõi các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật để có cơ sở tổng kết đánh giá.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Ninh Bình đã triển khai mô hình ở 15 hộ ở huyện Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Điệp với diện tích 4 ha. Trong đó, xã Lai Sơn (huyện Nho Quan) và xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) được lựa chọn hình thức nuôi luân canh cá – lúa với đối tượng cá rô phi là chính; xã Yên Bình (TX Tam Điệp) và xã Gia Xuân (huyện Gia Viễn) được lựa chọn hình thức nuôi luân canh cá – lúa với đối tượng cá rô đồng là chính. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ và cung cấp 100% con giống, hỗ trợ một phần các chi phí vật tư như thức ăn, phòng trừ bệnh và xử lý ao nuôi… với tổng trị giá trên 264 triệu đồng. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật Trung tâm trực tiếp theo dõi giám sát và hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Phát huy hiệu quả
Kết quả mô hình ở các địa phương đều cho tỷ lệ con giống sống cao, đạt trên 80%, cá sinh trưởng tốt, không xuất hiện bệnh, đều cho lãi cao. Như doanh thu mô hình tại huyện Nho Quan và Gia Viễn do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư triển khai đạt trung bình trên 277 triệu đồng/ha, lợi nhuận (trừ phần hỗ trợ của nhà nước) là hơn 75 triệu đồng/ha.
Ông Trần Nhật Thinh ở HTX Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tham gia mô hình lúa – cá cho biết: Thực hiện đề án của huyện, đến vụ mùa gia đình đăng ký thầu thả cá, trả cho các hộ có ruộng ở đây 90.000 đồng/sào và đến vụ đông xuân thì trả lại ruộng. Sản lượng cá thu được khoảng trên 3 tấn (trong đó có 1 tấn là giống cá rô). Với giá bán tại thị trường hiện nay, mô hình cho lãi khoảng gần trăm triệu đồng.
Ảnh: Quốc Minh
Cũng giống ông Trần Nhật Thinh, chị Nguyễn Thị Oanh (huyện Hoa Lư) cho biết: Gia đình chị thực hiện đúng theo hướng dẫn về chuẩn bị ruộng, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách cho cá ăn và chăm sóc đàn cá. Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, đàn cá đang sinh trưởng, phát triển tốt, cá tăng trọng đều, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ khoảng 10 – 20%. Mọi năm gia đình chỉ thu được khoảng 1 tấn cá thương phẩm nhưng năm nay khả năng sản lượng sẽ tăng lên 1,3 – 1,5 tấn. Dự kiến, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ nuôi cá đạt hơn 200 triệu đồng. Như vậy nếu so sánh với canh tác thuần lúa hai vụ, mô hình lúa – cá cho thu nhập cao gấp 3 – 4 lần.
Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình nhận xét: Thực hiện mô hình thì nuôi cá – lúa rất thuận lợi bởi đây là phương thức hỗ trợ nhau cùng phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa. Bón phân cho lúa sẽ góp phần bổ sung thức ăn cho cá, đồng thời, khi thu hoạch, cá ăn thóc rơi vãi và rơm rạ mục. Vì vậy, so với ao nuôi cá thâm canh, nuôi cá – lúa chi phí thức ăn thấp hơn. Đặc biệt, cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá. Đây là mô hình dễ thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, phù hợp điều kiện nuôi thủy sản của các huyện trũng trong tỉnh.
Nhân rộng mô hình
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình khuyến khích các xã có những khu đồng, vùng ruộng tại vùng trũng thực hiện mô hình lúa – cá, nhất là ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, TX Tam Điệp là những nơi có nhiều diện tích cấy lúa hiệu quả thấp.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình, lưu ý khi nuôi cá – lúa là chân ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng thời gian sinh trưởng của cá. Do đó, tùy điều kiện, cần phải đào rãnh trong khu vực trồng lúa. Khi cần phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa cũng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, tránh để đất, nước bị nhiễm độc ảnh hưởng đến việc thả cá sau này. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước thuê nuôi cá tương đối lớn nên khó cho quản lý vùng nuôi.
Vì vậy, chính quyền địa phương ngoài việc đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa nhằm tạo điều kiện để nông dân đầu tư kiến thiết cơ bản nuôi lâu dài cần có cơ chế chính sách cụ thể đối với người có ruộng và người đấu thầu mặt nước. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên cập nhật và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, hạn chế rủi ro.
>> Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình cho biết: “Mô hình lúa – cá được triển khai rộng rãi sẽ tạo điều kiện để các hộ ít vốn tận dụng được diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học, cải thiện môi trường sinh thái”. |