Những năm qua, ngành thủy sản đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, mang lại trị giá hàng tỷ đô la; tuy nhiên, bên cạnh những mảng sáng đó còn tồn tại một thực tế đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất thủy sản vẫn là bức xức và mối lo ngại của toàn xã hội.
Luôn được chú trọng
Năm 2014, công tác quản lý ATVSTP có chuyển biến tích cực, vấn đề chồng chéo quản lý giữa các bộ Y tế, NN&PTNT và Công thương phần nào được tháo gỡ; công tác truyền thông được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai từ trung ương đến địa phương và tiến hành theo từng chuyên đề cụ thể. Hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP tại các địa phương được tăng cường; 34 tỉnh, thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận ISO/IEC/17025. Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý sự cố về ATVSTP được triển khai kịp thời, hiệu quả; nhận thức về ATVSTP được nâng cao; nhiều mô hình tiên tiến về ATVSTP được xây dựng và phát huy hiệu quả.
Nhiều bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ATVSTP trong sản phẩm nông, thủy sản vẫn đang là bài toán nan giải. Vi phạm về ATVSTP trong giết mổ gia cầm, thủy sản còn phổ biến; công tác kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản được quan tâm đẩy mạnh nhưng số cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra còn thấp và tỷ lệ các cơ sở này được nâng lên loại A, B chưa cao; tiến độ triển khai mô hình chợ đảm bảo ATVSTP còn chậm (giai đoạn 2011 – 2014 mới triển khai tại 26 địa phương). Mặt khác, vấn đề ô nhiễm thực phẩm, tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm nông, thủy sản còn cao; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường…
Năm 2014, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm kháng sinh – Ảnh: PTC
Nguyên nhân chính là do việc kiểm soát chất lượng, ATVSTP chưa phát huy hết hiệu quả, chưa kiểm soát được những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; năng lực của một số bộ phận trong hệ thống quản lý ATVSTP tại các địa phương còn hạn chế; chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm…
Kế hoạch hành động 2015
Ngày 6/2/2015, Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch triển khai thanh tra chuyên đề về ATVSTP nông, lâm, thủy sản năm 2015. Kế hoạch này nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về VSATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp; phát hiện những bất cập trong công tác quản lý, quy định phát luật về ATVSTP để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, kịp thời; tăng cường sự phối hợp trong công tác này giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Triển khai từ tháng 2 đến tháng 11, trên cả nước; trong đó chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để chỉ đạo thanh tra điểm.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành nông nghiệp Thành phố và 22 tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ (kể cả Lâm Đồng), Nam Trung bộ đã phối hợp quản lý, kiểm soát các mặt hàng rau quả, thịt, thủy sản từ nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển. Tuy nhiên, những mô hình chuỗi thực hiện đầu tiên còn gặp bất lợi do chuỗi cung ứng nông sản của Thành phố hiện nay chủ yếu qua thương lái. Thực phẩm được nhập chủ yếu từ các tỉnh (chiếm 80% nhu cầu) nên việc quản lý, kiểm tra tại các khâu đều khó khăn.
Theo kế hoạch, Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực (trà, rau, gạo, thịt, thủy sản nuôi); công khai kết quả phân loại trên phương tiện thông tin đại chúng. Phấn đấu năm 2015, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giảm 10% so năm 2014…
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, đây là kế hoạch hết sức quan trọng, bởi đó là sự mong đợi của người tiêu dùng trong nước và là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta cả trong nước và thị trường xuất khẩu.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Năm 2015, cần tập trung kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực trong sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản. Tổng rà soát sản phẩm thức ăn, thuốc, hóa chất đang được phép lưu hành; rà soát, chỉnh sửa các văn bản bất cập. |