Khuyến ngư cho con tôm: Nhân rộng không dễ

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhiều mô hình trình diễn khuyến ngư cho con tôm được thực hiện hiệu quả, kinh tế cao hơn, ít dịch bệnh… Thế nhưng, dù đã được thí điểm thành công, nhiều mô hình vẫn chưa thể triển khai diện rộng.

Phóng viên Con Tôm phỏng vấn ông Kim Văn Tiêu (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, về vấn đề này.

 

Kết quả hoạt động khuyến ngư cho tôm thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Hoạt động khuyến ngư thời gian qua rất tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Nông dân đánh giá cao vai trò của khuyến nông trong giúp nông dân tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, trong hoạt động đó phải kể đến đội ngũ khuyến nông viên cơ sở trên 10.000 người, là đội ngũ cán bộ khuyến nông gần dân nhất, hễ nông dân cần là có mặt, đồng thời tiến hành cầm tay chỉ việc cho nông dân. Trong nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2014, hàng nghìn lượt nông dân được tập huấn về kỹ thuật cũng như Quy phạm VietGAP; những nơi được tập huấn, qua kiểm tra, đánh giá, thấy hiệu quả cao hơn hẳn, là những tín hiệu đáng mừng cần phát huy.

 

Ông có thể thông tin về một số mô hình trình diễn mang lại hiệu quả nổi bật?

Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo mô hình VietGAP đã triển khai năm nay là năm thứ hai; năm 2014 triển khai tại 10 tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau, kết quả rất tốt, các mô hình tôm đều phát triển nhanh, không bị dịch bệnh, sản lượng đạt trên 10 tấn/ha/vụ, các hộ đều có lãi, có hộ lãi trên tỷ đồng/ha/năm, hiệu quả tăng bình quân 35% so với ngoài mô hình. Mô hình được nhân rộng nhanh vì hạn chế được dịch bệnh, tôm bán được giá cao hơn 15.000 – 20.000 đồng/kg, nên người nuôi phấn khởi, áp dụng ngay theo mô hình này. Vì trong nuôi tôm sợ nhất dịch bệnh, nếu hạn chế được dịch bệnh là có lãi lớn, nên họ sẵn sàng làm ngay, kể cả nhà bạt, họ cũng có thể bỏ ra nhiều tỷ đồng để áp dụng.

Nuôi tôm theo VietGAP hạn chế dịch bệnh – Ảnh: Phan Thanh

 

Quá trình thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả này gặp khó khăn gì, thưa ông?

Nhân rộng mô hình còn phụ thuộc vào nhận thức của dân và nguồn vốn đầu tư; chẳng hạn như nuôi tôm theo VietGAP thì nhân rộng rất nhanh, có những điểm chỉ triển khai 2 ha nhưng vụ sau đã mở rộng trên 20 ha, vì khi nuôi theo mô hình này tôm ít chết, lớn nhanh, bán được giá. Tôi rất mừng về điều đó, khi họ đề nghị tập huấn tôi đồng ý giúp họ ngay. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá thì có những mô hình nhân rộng chưa nhanh như kỳ vọng, vì người dân còn nghe ngóng hoặc chưa có vốn nên chần chừ, lưỡng lự, nếu được tập huấn thêm thì chắc họ làm ngay.

 

Để hoạt động khuyến ngư cho tôm hiệu quả hơn nữa, thời gian tới Trung tâm có những biện pháp gì?

Về đào tạo: Hiện nay khuyến nông đang đổi mới, mà trước hết là vấn đề đào tạo TOT (tiểu giáo viên). Đào tạo thật sâu về phương pháp, chuyên môn thì họ có rồi, bây giờ tập trung tăng cường phương pháp để chuyển tải cho người dân hiểu ngay, nhớ ngay và về làm được ngay, lớp này sẽ tập huấn ít nhất 10 ngày; các lớp này tập trung giảng viên giỏi, giàu  kinh nghiệm lên lớp, năm nay đào tạo 3 lớp cho 3 miền (khoảng 150 người). Đây là lớp đào tạo giảng viên khuyến nông cấp quốc gia;  học viên này tiếp tục tập huấn cho cán bộ khuyến nông huyện và khuyến nông viên xã theo kiểu “vết dầu loang”. Tôi tin trình độ cán bộ khuyến nông thời gian tới sẽ được nâng lên và hiệu quả sẽ rõ nét hơn.

Về thông tin tuyên truyền: Chúng tôi định hướng cho các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang hợp tác với chúng tôi nhiều năm, tuyên truyền theo chủ đề, kịp thời theo mùa vụ, trên cơ sở đề án tái cơ cấu của Bộ NN&PTNT cũng như các định hướng của cấp trên. Chẳng hạn, năm nay Bộ xác định là năm an toàn thực phẩm thì các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chúng tôi tập trung về kỹ thuật nuôi đảm bảo mục tiêu trên; về tờ Tin Khuyến nông trước kia phát cho cán bộ tỉnh nhiều thì bây giờ ngược lại, tập trung phát cho cán bộ xã, đến khuyến nông viên cơ sở, người trực tiếp gặp dân hằng ngày đọc, để giới thiệu những điển hình tiên tiến, những cách làm hay cho nông dân áp dụng.

Về xây dựng mô hình: Trước hết quan tâm việc chọn điểm, chọn hộ làm sao để họ thực hiện tốt và có vốn để thực hiện những năm tiếp theo, đồng thời phải giúp đỡ nhiều hộ làm theo; phần kinh phí xây dựng mô hình về mua sắm vật tư có phần giảm đi mà tăng cường cho tập huấn đầu bờ, tổng kết nhân rộng mô hình, với phương châm “một người làm, nhiều người đến học và làm theo”. Tiếp đó, phải xây dựng mô hình theo chuỗi, tức là gắn với thị trường, tránh rơi vào bài ca “được mùa rớt giá; chặt chặt trồng trồng”, rồi sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo an toàn.

 

Trung tâm có cảnh báo và khuyến nghị gì cho người nuôi tôm trước thềm vụ mới 2015? 

Đối với nuôi tôm có cảnh báo thì phải cảnh báo dịch bệnh để người nuôi tôm đạt hiệu quả, tránh tình trạng “dịch bệnh thì bỏ, rớt giá phá ao”. Năm 2014, cả nước có gần 60.000 ha tôm bị dịch bệnh, nguyên nhân thì nhiều nhưng để hạn chế dịch bệnh người nuôi tôm cần tuân thủ một số nội dung chính: Phải tuân thủ lịch thời vụ nuôi (nếu không nuôi trong nhà kính hoặc lót bạt); Phải có ao lắng, xử lý nước đúng quy trình mới lấy nước vào ao nuôi, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và chất cải tạo ao tại ao nuôi; Chọn giống đúng kích cỡ đối với tôm sú đảm bảo Post 15 trở lên, tôm thẻ chân trắng Post 12 trở lên, mua ở cơ sở có uy tín, kiểm dịch không có bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, IMNV, gan tụy…, thả mật độ vừa phải, đối với tôm thẻ chân trắng thả 60 – 100 con/m2, tôm sú 20 – 30 con/m2; Quá trình chăm sóc phải theo đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn 4 đúng, kiểm soát nước ao nuôi, không để màu nước quá đậm đặc, nên dùng chế phẩm sinh học để điều chỉnh nước ao nuôi (dùng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học để duy trì màu nước, tôm phát triển tốt, hầu như không bị dịch bệnh, giá thành tôm thêm 10.000 đồng/kg, nên áp dụng) đảm bảo không bị dơ, xi phông đáy, cấp đủ ôxy 24/24 giờ cho tôm;  Nên nuôi xen ghép với cá rô phi, cá kèo…, vụ cách vụ có thời gian cho ao nghỉ.

>> Năm 2015, mô hình nuôi tôm theo VietGAP tiếp tục được triển khai, dự kiến tại 11 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP có quy mô 2 ha; Mỗi mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP có quy mô 3 ha.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!