Cơn lũ bất thường đi qua, tôm chết nổi đầy mặt ao. Cảnh tượng đang diễn ra tại khu vực nuôi tôm Hà Chang, thôn Hà My Đông A, xã Điện Dương (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Trưa 30/3, chúng tôi có mặt tại khu vực nuôi tôm Hà Chang, nơi có gần 10 ha nuôi tôm thẻ chân trắng của 30 hộ dân xã Điện Dương. Trời nắng nóng nhưng mọi người tập trung ra hồ rất đông, khuôn mặt ai cũng buồn như đưa đám. Dọc bờ ao, tôm chết được chủ hồ nuôi vớt lên để lăn lóc bốc mùi hôi thối.
Bà Trần Thị Hồng, một hộ dân nuôi tôm tay cầm vợt, lội quanh ao vớt tôm chết nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Thỉnh thoảng, bà lại cho vợt xuống đáy hồ vớt những con tôm chết lâu ngày đã bị chìm. Trong tích tắc, một rổ tôm chết được chất đầy để trên bờ.
Bà Trần Thị Hồng vớt tôm chết
Hỏi về nguyên nhân, bà Hồng mếu máo: Trước tết, bà vay mượn cùng số tiền cất trữ được hơn 350 triệu đồng. Hai vợ chồng mua tôm giống, thức ăn, thả nuôi 5.000 m2 tôm thẻ chân trắng. Đến nay, đã gần 2 tháng nuôi, tôm khỏe mạnh, dịch bệnh không có. Thế nhưng ngày 24/3, mưa xuất hiện. Sáng 25/3, tiếp tục mưa lớn, nước chảy từ ngoài vào ao ào ào. Sau đó tôm chết.
Vớt vát những gì còn lại trong ao, ông bà thuê người kéo lưới thu được hơn 1,2 tấn. Tôm chưa to, bị thương lái ép giá nhưng cũng phải bán. Bà Hồng buồn bã: “Họ chỉ mua 80.000 – 100.000 đồng/kg, giá thấp nhưng đành phải bán non, tổng 5.000 m2 chỉ thu được 150 triệu đồng, lỗ mất 200 triệu”.
Vớt tôm phơi khô làm thức ăn cho gia súc
Theo ông Trương Hú, chồng bà Hồng, nguyên nhân tôm chết do mưa lớn bất thường. Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, tôm đang thích nghi môi trường này, vậy mà mưa xuống làm cho độ pH trong nước thay đổi. Đặc biệt, nước từ ngoài chảy vào, rất nhiều chất bẩn, mưa đầu mùa có nhiều khí độc, hàm lượng axít cao làm môi trường thay đổi, tôm không kịp thích nghi.
Đồng cảnh ngộ, ông Lê Văn Danh, một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 5.000 m2, thấy tôm có hiện tượng chết, ông thu hoạch được hơn 2 tấn, chết mất 1 tấn. Tôm đang nhỏ, thương lái chỉ thu mua với giá 95.000 đồng/kg.
“Mưa lũ bất thường làm cho môi trường thay đổi. Tui đã tiến hành xử lý nhiều loại thuốc, nhưng không cứu được ao tôm. Đợt mưa lũ gây thiệt đối với bà con Điện Dương quá nặng, nhà nào cũng bị. Nhà bị nhiều từ 50 – 60%, nhà thiệt hại ít khoảng 20%”, ông Danh ngậm ngùi.
Cạnh ao ông Danh, anh Trần Việt Hồng, có quy mô nuôi tôm lớn nhất vùng. Quê anh ở Bình Định, ra Điện Dương thuê đất nuôi tôm hơn 20 năm nay. Anh Hồng có một ao nuôi diện tích 5.000 m2 nhưng đợt lũ bất thường khiến 50% tôm trong ao chết. Hiện còn một ao 7.000 m2, đang thuê người đưa thuốc phòng trị bệnh.
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Điện Bàn cho biết: “Phòng đã nắm được thông tin, cử người thống kê mức độ thiệt hại để có đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ. Đối với những hộ thả trước, sau lũ đã nhanh chóng thu hoạch, vớt vát được phần nào. Còn những hộ mới thả, tôm nhỏ, chết nhiều thiệt hại rất lớn”.
Chiều 30/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp báo thường kỳ, tại đây, ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN&PTNT Quảng Nam cho hay: Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ bất thường này, tỉnh sẽ có phương án phòng chống lũ giữa mùa khô. Từ trước đến nay, tỉnh chưa có phương án để đề phòng. |