Vùng bãi bồi rộng trên 10.000 ha không chỉ là đặc trưng của Cà Mau mà còn là nơi tái sinh của nhiều loại thủy hải sản, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất bên trong đai rừng phòng hộ… Tuy nhiên, vùng đất này chưa yên tĩnh, bởi hoạt động khai thác những năm qua đã khiến nguồn lợi thủy sản từ vùng bãi bồi rộng lớn này ngày càng cạn kiệt.
Khu vực bãi bồi dài khoảng 34 km này được hình thành do 2 chế độ thủy triều khác nhau của biển Ðông và biển Tây cũng như dòng chảy từ 2 con sông lớn là sông Bảy Háp và sông Cửa Lớn. Khi thủy triều xuống thấp, khu vực bãi bồi kéo dài ra biển cách đất liền gần 4 km. Hệ sinh thái rừng ngập mặn bãi bồi có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, cung cấp nhiều giống thủy, hải sản và đai rừng, góp phần quan trọng trong giảm nhẹ thiên tai, mưa bão…
Khai thác quá mức
Là khu vực bãi đẻ của nhiều loại thủy hải sản nên bãi bồi là nơi nuôi sống hàng ngàn hộ di cư tự do. Câu chuyện “nóng” của bãi bồi trong mùa nghêu giống năm 2012 là một minh chứng. Tình trạng mỗi ngày có khoảng 2.000 – 3.000 người dân từ khắp các tỉnh đổ xô về tranh nhau khai thác nghêu giống đã khiến tình hình an ninh trật tự địa phương nóng lên và quan trọng hơn hệ sinh thái tự nhiên của bãi bồi bị tàn phá nặng nề từ các hoạt động khai thác ấy.
Hiện nay cũng vậy, tuy không nóng như thời gian cao điểm mùa nghêu giống nhưng hoạt động khai thác vùng bãi bồi vẫn tiếp diễn hằng ngày, hằng giờ. Hàng ngàn hàng cây được cắm song song với trên chục ngàn miệng lưới đăng cá kèo, cua giống rồi là lú bát quái, đẩy te… ngày đêm vắt cạn kiệt bãi bồi. Ông Hồ Văn Mỹ, ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, hiện đang giữ vùng nuôi nghêu của HTX nghêu Ðất Mũi, cho biết, hầu như các miệng lưới đăng cá kèo, cua giống neo trên bãi quanh năm. Khi nhiều thì các hàng cây mọc lên dày đặc, lúc ít thì có giảm đi một tí. Không chỉ vậy, các xuồng nhỏ đẩy te trên bãi bồi hoạt động gần sáng đêm.
Hiện nay, dọc theo khu vực bãi bồi còn không ít hộ dân đang sống trong những khu vực mà theo quy định lẽ ra phải di dời. Các trường hợp này với đầy đủ các thành phần từ dân địa phương, dân từ các xã, huyện trong tỉnh và một số tỉnh khác. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đến đây đa phần đều sống bám vào bãi bồi. Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi Ngô Minh Toại cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ sống trong rừng phòng hộ thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, do điều kiện để di dời tái định cư của địa phương chưa có nên họ tiếp tục ở tạm. Trong số 300 hộ trên, đa phần không đất, không tư liệu sản xuất nên đời sống gặp nhiều có khăn.
Ốc gạo biển cũng được người dân khai thác nơi bãi bồi.
Cuộc sống khó khăn không cách nào khác hơn họ buộc phải bám vào bãi bồi để có cơm ngày 2 bữa. Ông Lê Văn Vũ, ấp Rạch Thọ, bộc bạch: “Không dựa vào bãi bồi thì biết lấy gì nuôi vợ nuôi con. Gia đình cũng đã nhiều lần thử sức với một số nghề khác từ đi bạn tàu, chạy xe ôm, thậm chí đã hơn 2 lần đi Bình Dương làm công nhân nhưng rồi cuối cùng cũng không thể sống nổi, đành về chốn cũ sinh sống”.
Nhiều lo lắng
Nhằm tạo sinh kế cho người dân vùng bãi bồi Ðất Mũi cũng như hạn chế sự xâm hại vào môi trường tự nhiên rừng biển, nhiều mô hình tổ chức sản xuất đã được triển khai, đặc biệt là việc hình thành HTX. Trước đó là thành lập 16 HTX nhưng không hiệu quả, sau đó lại hợp nhất thành 1 HTX quản lý chung. Mục tiêu là giúp dân nghèo địa phương khai thác tiềm năng bãi bồi một cách hiệu quả và bền vững nhất để phát triển cuộc sống.
Tuy nhiên, xem ra đến nay dân nghèo nơi bãi bồi Ðất Mũi vẫn chưa thể hưởng lợi được nhiều từ chủ trương này. Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lê Văn Kháng băn khoăn: “Hiện nay, HTX hoạt động vẫn chưa thể vào quy củ theo phương án và điều lệ HTX đã đề ra. Người dân vẫn chưa có lòng tin vào ban lãnh đạo HTX. Hoạt động của HTX còn mang tính chất cá nhân hơn tập thể”.
Chưa đủ lòng tin vào kinh tế tập thể nên người dân cứ thế tận dụng những gì gia đình có để khai thác triệt để từ tài nguyên bãi bồi. Theo ông Lê Văn Vũ, ấp Rạch Thọ, cho biết, ngày nay nguồn giống nơi bãi bồi giảm 2 – 3 lần so với trước. Nếu cách đây vài năm chỉ 2-3 miệng lưới đăng cá kèo giống, cua giống một đêm kiếm vài trăm, thậm chí cả triệu đồng là không khó, nhưng giờ đây gần chục miệng mà người nào giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 200.000-300.000 đồng.
Rừng ngập mặn và bãi bồi có giá trị rất cao về mặt sinh thái, có tác dụng quan trọng trong việc chống gió, chống xói lở. Ðây là vành đai chắn sóng, gió, bảo vệ đời sống và sản xuất của Nhân dân ven biển. Tuy nhiên, với hiện trạng này khiến ông Kháng tiếp tục lo lắng khi mùa nghêu giống sắp đến (tháng 4-7). Ông Kháng khi chia sẻ, trong mùa nghêu vừa qua, tình hình ổn định là do lượng nghêu không nhiều chứ chưa phải do đã tổ chức quản lý tốt. Huyện đang có kế hoạch sẽ mời ban quản lý HTX để chấn chỉnh lại hoạt động theo đúng phương án và quy định đã đề ra.
Lo lắng ấy của ông Kháng là có cơ sở, khi theo quy luật, kể từ khi nghêu giống trên bãi bồi xuất hiện, hễ một mùa thất thì mùa sau sẽ trúng lại. Do đó, công tác quản lý trong mùa nghêu tới là điều đáng quan tâm. Quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và cả những chính sách nhằm tiến tới khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển đều đã ra đời từ rất lâu. Tuy nhiên, việc tái định cư hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí… đã đặt ra bài toán khó cho công tác quản lý của chính quyền địa phương. Khi nói về kế hoạch sắp xếp 300 hộ đang sống trong khu vực được xem là trái phép hiện nay, ông Toại cho là “ rất khó”.
Bãi bồi mũi Cà Mau không chỉ là nơi tái sinh của nhiều loại thủy hải sản, là nơi sinh sống và kiếm ăn rất quan trọng của nhiều loài chim biển trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới mà còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, đây cũng là vùng đất linh thiêng ở điểm cuối cùng của Tổ quốc mà ai cũng ước ao sẽ có một lần đến. Với ý nghĩa đó, vùng bãi bồi Mũi Cà Mau cần được quy hoạch quản lý, bảo vệ, đầu tư và phát triển bền vững.