Bến Tre: Nghêu chết hàng loạt ở các hợp tác xã: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù tháng 3, tháng 4 năm nay thời tiết chưa phải là quá nóng so với nhiều năm trước đây nhưng tình trạng nghêu chết hàng loạt trong tỉnh Bến Tre đã diễn ra, gây nhiều thiệt hại cho các hợp tác xã (HTX). Ngành Nông nghiệp cũng đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các sân nghêu để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hạn chế.

Biết trước nhưng khó ngăn chặn kịp thời

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, mặc dù ngay từ đầu năm 2015, các HTX đã chủ động tiếp thị, thậm chí hạ giá thành để khẩn trương khai thác bán, san thưa nghêu từ vùng cao triều xuống vùng hạ triều nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Tại HTX thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, mặc dù biết trước sẽ xảy ra tình trạng nghêu chết như nhiều năm trước đây nhưng HTX cũng không thể ngăn chặn kịp thời do thời điểm này đầu ra nghêu giống, nghêu thịt là rất khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, HTX thủy sản Rạng Đông chủ yếu là thu hoạch nghêu giống, chỉ có một đợt bán nghêu thịt. Doanh số trong quý I/2015 khoảng 13 tỷ đồng, thấp hơn quý I/2014 khoảng 2 lần. HTX cũng đã tiến hành san thưa nhiều khu vực cao triều, thấp triều nhưng do lượng nghêu giống mật độ quá dày nên không thể hạn chế được tình trạng nghêu chết hàng loạt. Toàn HTX có 727 ha nghêu nuôi, tổng diện tích có nghêu là 450 ha, nhưng tổng diện tích bị thiệt hại lên đến khoảng 200ha, số lượng thiệt hại từ 1,5 – 2 kg/m2, tỷ lệ chết khoảng 80%. Trong đó, nghêu kích cỡ 60 – 65 con/kg chiếm 40%; nghêu kích cỡ 200 – 250 con/kg chiếm 60%. Hiện một số diện tích còn lại cũng đang có nguy cơ chết.

 

Thu hoạch nghêu ở HTX thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại – Ảnh: H. Hiệp

Tại HTX nghêu An Thủy, huyện Ba Tri có tổng diện tích 1.015 ha, trong đó tổng diện tích nuôi nghêu 700 ha, mật độ nghêu thả khoảng 1 – 2 kg/m2, diện tích bị thiệt hại 200 ha, kích cỡ chết 60 – 90 con/kg, tỷ lệ chết khoảng 30%, ước tính thiệt hại khoảng 200 tấn. HTX thủy sản Tân Thủy, huyện Ba Tri có diện tích 200 ha, diện tích có nghêu 150ha, mật độ thả 2 – 3 kg/m2, diện tích bị thiệt hại 25 ha, kích cỡ nghêu chết 50 – 70 con/kg, sản lượng thiệt hại khoảng 110 tấn, tỷ lệ nghêu chết khoảng 40 – 50%. HTX Bảo Thạnh có diện tích 650ha, diện tích có nghêu 100ha, mật độ thả 1 – 1,5 kg/m2, kích cỡ nghêu chết 60 – 70 con/kg, tỷ lệ chết 5 – 10%, thiệt hại 60 – 70 tấn.

Riêng các HTX nghêu ở huyện Thạnh Phú phát triển bình thường. Tuy nhiên, HTX thủy sản Bình Minh cũng có hiện tượng nghêu chết nhưng chưa đánh giá được thiệt hại do thủy triều chưa xuống nên chưa khảo sát được.

Nguyên nhân và giải pháp

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre, tính đến cuối tháng 3/2015, tổng diện tích thiệt hại của các HTX trên địa bàn huyện Bình Đại, Ba Tri là 1.025 ha, tỷ lệ chết từ 5 – 80%, nghêu chết có kích cỡ từ 50 – 250 con/kg.

Để hỗ trợ kịp thời cho các HTX, ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ kỹ thuật khẩn trương tiến hành khảo sát lấy mẫu gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân. Chi cục đã thu mẫu nghêu chết, mẫu nước, mẫu bùn của 4 HTX gởi Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II để phân tích tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nghêu đang vào mùa sinh sản, đặc biệt thu mẫu ở HTX thủy sản Tân Thủy có 80%, Bảo Thuận có 86,7% nghêu mang trứng. Tỷ lệ nhiễm Perkinsus sp cao ở tất cả các mẫu, đặc biệt mẫu ở HTX Tân Thủy 80%, HTX Bảo Thuận 100%, HTX Rạng Đông 100%. Mật độ vi khuẩn Vibrio tổng trong nước cao ở điểm thu mẫu HTX Tân Thủy và rất cao trong mẫu nước, mẫu bùn, mẫu nghêu được thu tại HTX Rạng Đông cao gấp từ 10 – 100 lần so với các mẫu khác. Đặc biệt, số lượng cao của vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus là loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh cao cho các đối tượng thủy sản.

Kết quả phân tích cho thấy không có hiện tượng nở hoa trong nước, thành phần chính của hệ thực vật phù du là tảo silic – nguồn thức ăn cho nghêu. Chỉ số BOD tại các điểm thu mẫu nằm trong giới hạn về tiêu chuẩn nước biển ven bờ phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản.

Nghêu chết tập trung ở vùng cao triều là vào thời điểm thủy triều kém, thời gian phơi bãi trong ngày dài kết hợp với nắng nóng và mật độ tăng cao đột ngột. Đặc biệt, tỷ lệ nghêu mang trứng và cường độ nhiễm ký sinh trùng Perkinsus sp cao và nghêu vào mùa sinh sản rất nhạy cảm với điều kiện sống biến động xấu. Ký sinh trùng nội ký sinh Perkinsus sp ưa phát triển và gây hại trong điều kiện nhiệt độ cao, độ mặn cao đã gây chết nghêu.

Theo ông Huỳnh Văn Cung – Quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nghêu chết ở các HTX để có sự tác động, theo dõi sự biến động bất thường của môi trường gây bất lợi cho sự phát triển của nghêu nuôi nhằm hỗ trợ kịp thời, tăng hiệu quả trong quản lý khai thác nghêu của HTX. Khuyến cáo các HTX san thưa nghêu khi mật độ dày, di dời ra vùng bãi sâu hơn, giảm mật độ nghêu ở các bãi cao, thu hoạch nghêu giống có kích cỡ nhỏ hơn, tập trung thu hoạch nghêu đạt kích cỡ thương phẩm; xây dựng kế hoạch thu mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất.

Riêng đối với các HTX có nghêu chết cần làm tốt công tác vệ sinh sân bãi như huy động lực lượng xã viên nhanh chóng thu gom những con nghêu chết, sắp chết để di chuyển ra khỏi khu vực nuôi nghêu nhằm tránh lây nhiễm sang các cá thể nghêu khác còn sống. Các HTX còn lại chủ động lập kế hoạch thu hoạch hoặc san thưa nghêu ở những khu vực có nguy cơ chết cao ra các khu vực an toàn. San lấp các vùng trũng ở các bãi nghêu để tránh hiện tượng ngập nước cục bộ, nơi có nhiệt độ quá cao vào buổi trưa, là điều kiện kích thích nghêu sinh sản gây nghêu yếu và chết. Đối với nghêu đạt kích cỡ thu hoạch, HTX cần khẩn trương khai thác, nhằm giảm thiệt hại.

>> Khuyến cáo: nghêu tại điểm thu mẫu là nghêu yếu, do ngậm cát, gầy, có tỷ lệ nhiễm và cường độ nhiễm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh trong nước, trong bùn, trong nghêu cao. Do vậy, cần có chế độ chăm sóc nghêu thích hợp hơn, tránh gây sốc cho nghêu như giảm mật độ nuôi bằng cách thu tỉa các con đạt kích cỡ, vệ sinh bãi nuôi. Ký sinh trùng Perkinsus sp thường phát triển và gây hại cho nghêu trong điều kiện nhiệt độ, độ mặn cao vì vậy cần có kế hoạch quản lý hạn chế rủi ro như đưa nghêu xuống vùng nước sâu trước các đợt nắng nóng kéo dài.

(Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải)

Hữu Hiệp

Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!