Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, qua các xét nghiệm mẫu bùn và mẫu nghêu tại khu vực biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho thấy, đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khẳng định nghêu chết là do bệnh. Do vậy khả năng lớn nhất là độ mặn tăng đột ngột đi kèm với gió chướng thổi mạnh trước và trong thời gian xảy ra hiện tượng nghêu chết.
Gò Công Đông (Tiền Giang): Nghêu chết nhiều làm người nuôi lo lắng
Các xét nghiệm các mẫu bùn và mẫu nghêu cho thấy đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khẳng định nghêu chết là do bệnh
Kết quả xét nghiệm mật độ vi khuẩn Vibrio sp trong mẫu bùn thu tại các sân nghêu có hiện tượng nghêu chết nhiều và sân nghêu chưa phát hiện nghêu chết có sự khác biệt. Cụ thể, tại 22 sân nghêu chết nhiều có mật độ Vibrio lần lượt là 7,1 103 CFU/g và 4,15 CFU/g. Tại sân nghêu chưa phát hiện nghêu chết 5 x 102 CFU/g. Như vậy mật độ vi khuẩn Vibrio sp ở tại khu vực nghêu chết nhiều cao hơn gấp 14 – 83 lần so với khu vực bình thường. Tuy nhiên trong số vi khuẩn tìm thấy thì vi khuẩn có hại chiếm tỷ lệ rất thấp, nên ít khả năng gây ảnh hưởng cho nghêu nuôi. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm mô học chưa thấy có dấu hiệu biến đổi mô bệnh học qua các mẫu nghêu xét nghiệm.
Tính đến sáng ngày 30/3 đã có 161 hộ nuôi nghêu đến UBND xã khai báo có nghêu nuôi bị chết trên tổng số 187 hộ đã có đăng ký cấp sổ theo dõi nuôi nghêu. Diện tích thả nuôi 1.212,28 ha, diện tích nghêu bị chết 1.190,33 ha, ước sản lượng nghêu tổn thất (do người dân khai báo) khoảng 11.310 tấn (cỡ nghêu từ 50 – 1.000 con/kg).