Khi sản phẩm thủy sản Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường như Nga, Mỹ, Nhật Bản… bởi tỷ lệ mạ băng cao, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay bán phá giá và dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép thì các thị trường mới đã trở thành cứu cánh. Tuy nhiên, thật không dễ!
Ấn tượng tăng trưởng
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Arab Saudi là hơn 66 triệu USD, tăng thêm 14 triệu USD, tương đương 27% so với năm 2013. Một mức tăng trưởng ấn tượng. Cùng đó, chiếu theo số liệu của Tổng cục Hải, Arab Saudi là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất tại châu Phi của Việt Nam trong nhiều năm qua. Song, niềm vui ngắn chẳng tày gang, theo Bộ Công thương cho biết, cuối năm 2014 đầu năm 2015, Arab Saidi đã từ chối nhập khẩu 70 tấn thủy sản của Việt Nam do nhiễm khuẩn.
Dĩ nhiên, cũng như mọi lần, mỗi khi có những “lệnh cấm” từ các thị trường, cơ quan quản lý ngay lập tức đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh trường hợp những lô hàng tiếp theo bị cảnh báo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phía những nhà quản lý hiểu rằng, nếu tình trạng này không khắc phục thì nhiều khả năng Arab Saudi có lệnh tạm ngưng nhập khẩu để thanh, kiểm tra các doanh nghiệp thủy sản như cách mà Nga đã làm tương tự với thủy sản Việt Nam.
Cá tra Việt Nam đang gặp khó khăn ở thị trường Arab Saudi – Ảnh: Duy Khương
Arab Saudi chỉ là một trong 166 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm chưa đến 1% trong tổng số 8 tỷ USD xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm qua. Nên về lý thuyết, nếu nước này ngừng nhập khẩu cũng sẽ không ảnh hưởng chung đến đại cục ngành thủy sản. Tuy nhiên, trên thực tế, cái mất của Việt Nam lại nhiều hơn thế.
Nguyên nhân?
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, Arab Saudi chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nếu Việt Nam mất thị trường này cũng không sao nhưng cái mất lớn hơn, đó là thương hiệu thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng. Biết đâu, sau sự cố này, các thị trường khác sẽ “dựng hàng rào kỹ thuật” để làm khó thủy sản Việt Nam.
Vị giám đốc này đặt giả thuyết, có thể, trong quá trình vận chuyển hàng từ Việt Nam đến Arab Saudi ở một khâu nào đó không đảm bảo quy trình. Thường những lô hàng này chế biến từ một nhà máy đạt chuẩn HACCP – một công cụ kiểm soát rủi ro được thừa nhận trên toàn thế giới, tức là những vấn đề về nhiễm vi sinh đã được loại bỏ. Vậy, có thể, lỗi này ở ngoài nhà máy.
Theo phía doanh nghiệp thủy sản, thường trong một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp sẽ cùng chế biến sản phẩm cho nhiều thị trường khác nhau, do đó, trong trường hợp nhiễm khẩu tại khâu chế biến ở nhà máy, cả lô hàng sẽ bị nhiễm khuẩn. Trong trường hợp, một vài container thủy sản bị nhiễm khuẩn ở một nước nào đó, chứng tỏ quy trình vận chuyển, bảo quản khi hàng rời khỏi nhà máy đang có vấn đề.
“Chúng tôi không biện hộ cho việc này nhưng muốn đưa ra ý kiến phân tích để bên mua và bán cẩn thận hơn, kiểm tra chặt hơn lô hàng của mình để tránh rơi vào trường hợp đáng tiếc như nói ở trên”, ông nói.
Năm 2008, thủy sản xuất sang thị trường Nga cũng bị cảnh báo nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên bị cấm xuất khẩu. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cử một phái đoàn sang làm việc với phía Nga để giải quyết vấn đề.
Trước đây, trong một lần trao đổi với Thủy sản Việt Nam về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Lương Lê Phương, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, người trực tiếp làm việc với phía Nga để tháo gỡ lệnh cấm vào thời điểm đó cho biết, ông luôn tự hỏi, tại sao chỉ có sản phẩm thủy sản xuất sang Nga bị phát hiện vi sinh vật?
Hóa ra, nguyên nhân là do các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam làm hàng gia công theo yêu cầu từ các nhà nhập khẩu Nga với tỷ lệ mạ băng lên đến 30%, tức là trong 1 kg cá có 300 gram nước. Tỷ lệ mạ băng quá lớn chính là môi trường để các loại vi sinh vật phát triển mạnh. Đây được xem là một trong những “thủ phạm” chính khiến cá tra Việt Nam bị phát hiện nhiễm vi sinh vật để Nga có lệnh cấm nhập khẩu. Sau động thái này, Việt Nam mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để thuyết phục Nga bãi bỏ lệnh cấm.
Mong rằng, ngành thủy sản Việt Nam không lặp lại câu chuyện buồn này trên đất Arab Saudi.
>> Hiện các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước đều đạt các chứng chỉ ISO, HACCP nhưng không hiểu sao sản phẩm thủy sản của Việt Nam lại bị từ chối nhập khẩu vì nhiễm khuẩn – giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thắc mắc. |