Đó là mô hình đang được triển khai ngày một hiệu quả tại tỉnh Cà Mau thời gian qua; theo đó, tạo lợi nhuận cao, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị cho con tôm.
Thực tế hiện nay, khi chịu nhiều áp lực về giá, lòng tham về lợi nhuận và một phần tin vào trình độ của mình thì không phải hộ nuôi nào cũng kiên trì thực hiện các biện pháp nuôi tôm an toàn để cho hiệu quả bền vững.
Quy trình tiên tiến
Chứng minh cho mô hình nuôi tôm khỏe là hiệu quả nhất cho mô hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) của ông Lê Thành Lợi, ấp Chống Vàm, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau khi đã xác định việc nuôi tôm ở mật độ thưa sẽ đáp ứng được yêu cầu trên và mang về lợi nhuận cao, bền vững trước dịch bệnh hiện nay.
Ông Lợi cho biết: tôm thả mật độ thưa thì khỏe nhiều khâu như: khỏe chăm sóc, khỏe chi phí cho vụ nuôi, nhất là thuốc hóa chất xử lý môi trường, có thể tiết kiệm được 10 – 12 triệu đồng/vụ nuôi; tôm lớn khỏe; lợi nhuận cao do nuôi tôm đạt cỡ lớn. Từ đó, trên 70% anh em áp dụng mô hình này đều thành công và nuôi tôm đạt trọng lượng 30 – 45 con/kg, số còn lại cũng hoàn vốn.
Một số hộ nuôi thất bại do kỹ thuật còn yếu, mới bước vào thực hiện mô hình NTCN thả nuôi với mật độ dày. Khi điện yếu, ôxy không đủ cung cấp cho nhu cầu của tôm nuôi nên dẫn đến sức đề kháng tôm yếu, cùng với kinh nghiệm nuôi chưa nhiều thì thất bại là tất yếu. Theo đó, nguồn vốn yếu, đại lý vật tư thủy sản hỗ trợ có điều kiện và giới hạn dẫn đến đuối sức giữa chừng và buông…, ông Lợi cho biết thêm.
Nuôi tôm mật độ thưa đang cho năng suất ổn định hơn – Ảnh: Diệu Lữ
Cùng đó, bài toán về thiếu điện hay điện yếu trong mỗi vụ nuôi đã được giải quyết, tình trạng thu hoạch sớm do thiếu điện không còn như trước. “Người nuôi tôm càng hiểu hơn nguyên nhân thất bại và thấy được mô hình nuôi tôm ở mật độ thưa không những thành công, có lợi, tất cả các khâu nuôi đều khỏe mà tình trạng lo lắng về điện, môi trường ao nuôi luôn biến động, áp lực dịch bệnh luôn tiềm ẩn… Từ đó, người nuôi tôm trong xã luôn truyền nhau kinh nghiệm và cho rằng “nuôi tôm khỏe” nên “tim” cũng khỏe – Kỹ sư Quách Công Luận (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) cho biết.
Rất cần nhân rộng
Ông Lợi chia sẻ thêm: Từ 3 vụ nuôi đầu nuôi ở mật độ 50 con/m2 đều thành công trên 2 ao nuôi, cho lãi trên 600 triệu đồng/vụ. Từ 2 cách nuôi này, anh em trong ấp nhận định nuôi thưa hiệu quả và đang nhân rộng.
Thắng đậm từ vụ nuôi đầu tay, được anh em hướng dẫn kỹ thuật, nuôi mật độ 50 con/m2, số lượng 90.000 post thẻ chân trắng cho ao có diện tích 1.600 m2 sau 3 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 38 con/kg, tổng thu 2,1 tấn, giá bán 180.000 đồng/kg. Trừ chi phí ông Trương Công Phương (ấp Chống Vàm, xã Phú Thuận) lãi trên 190 triệu đồng.
Trước lợi nhuận từ mô hình nuôi tôm khỏe – ở mật độ thưa mà nhiều nông dân trong tỉnh đã áp dụng và đang hướng đến, nhất là kích cỡ tôm lớn hơn, sản lượng cao hơn, lợi nhuận cao hơn và an tâm hơn trong quá trình thực hiện mô hình nuôi. Theo đó, mô hình còn giúp giảm áp lực điện phục vụ nhu cầu nuôi, giảm thải, ô nhiễm môi trường vùng nuôi, nhất là khi tôm bị dịch bệnh xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý hóa chất. Góp phần mang lại hiệu quả cho cả vùng nuôi thì người NTCN trong tỉnh lựa chọn và hướng đến mô hình này là hướng đi cần thiết và hiệu quả nhất hiện nay.
>> Ông Trần Văn Việt, ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi khẳng định: Trước tình hình dịch bệnh và thời tiết như hiện nay, chúng ta phải nuôi tôm ở mật độ thưa, cùng với việc kết hợp thả cá phi trong ao lắng để trao đổi, cấp nước cho ao nuôi thì mô hình này càng mang tính bền vững hơn, cho hiệu quả cao hơn. Người NTCN vẫn sống được từ mô hình NTCN. |