Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi cá mú lồng bè tại huyện Phú Quý không thuận lợi, việc nuôi của người dân trở nên khó khăn khiến số lồng bè ngày một thu hẹp, nhiều hộ bỏ bè, chuyển nghề.
Cụ thể, từ 2 năm trở lại đây nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với cá mú nuôi không cao, cá không xuất khẩu được mà chủ yếu tiêu thụ nội địa với số lượng ít. Do tiêu thụ chậm nên thời gian nuôi kéo dài 18 – 24 tháng. Chi phí nuôi tăng cao, nhất là giá cá giống và cá làm thức ăn (hiện cá giống 70.000 đồng/con cá mú đỏ, 50.000 đồng/con cá mú cọp), trong khi giá cá thương phẩm chỉ khoảng 350.000 đồng/kg đối với cá mú đỏ, 270.000 đồng/kg đối với cá mú cọp (nếu bị thương lái ép giá còn thấp hơn) nên người nuôi không có lãi thậm chí là lỗ.
Cá mú hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa – Ảnh: Thanh Nhã
Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Quý, trước khó khăn nghề nuôi cá mú lồng bè, huyện khuyến khích người dân tìm đối tượng nuôi phù hợp, giá cả ổn định. Hơn nữa, cơ quan chức năng không nên phát triển thêm diện tích lồng bè mới do ảnh hưởng tới môi trường và bảo vệ các rạn san hô ven bờ tốt hơn.