Thời gian qua, tình trạng tôm chết hàng loạt được xác định do nhiễm bẩn nặng nguồn nước, trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường gần như không đem lại hiệu quả.
Đi dọc đường Thanh niên ven biển hay sông Trường Giang qua địa bàn huyện Thăng Bình, Núi Thành những ngày này dễ dàng nghe tiếng máy nổ bành bạch phát ra từ các ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Vào mùa khô, các ao nuôi tôm chân trắng bằng hình thức lót bạt bắt đầu cạn nước, nên người dân liên tục bơm nước từ biển, sông vào ao nuôi. Sau khi đưa đầy nước vào hồ, người nuôi xử lý bằng hóa chất. Trong quá trình nuôi, chất cặn bã trong ao được người nuôi tiếp tục xả thẳng trở lại biển hoặc sông Trường Giang. Tuy nhiên, do nguồn nước lấy vào ao nuôi cũng bị ô nhiễm nên luôn rình rập nguy cơ bệnh tật trên đàn tôm. Sông Trường Giang đoạn qua xã Tam Tiến (Núi Thành), hệ thống đường ống dẫn nước lắp đặt ngổn ngang, nguồn nước từ sông vào ao nuôi có màu đen sì. Nước lấy vào và xả ra rất tùy tiện, hầu như không được kiểm soát. Theo quan sát, hàng trăm ao nuôi tại thôn Hà Quang – xã Tam Tiến đều xả trực tiếp ra sông và biển. Vì sao người nuôi không mấy quan tâm hệ thống xả thải? Nhiều hộ nuôi tôm phân trần, xây dựng bể xử lý nước thải đâu có đơn giản vì vừa tốn kém tiền bạc vừa không tìm được vị trí thuận lợi. Trong trường hợp hộ này đầu tư bể xử lý nước thải nhưng hộ khác lại xả nước chưa qua xử lý ra môi trường thì cũng bằng không. Nguồn nước ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cũng như bệnh tật của tôm. Nghịch lý là, hằng ngày nước trong ao ô nhiễm xả ra biển rồi lại lấy nước từ biển vào phục vụ nuôi tôm.
Các phương án xử lý môi trường chưa được quan tâm tại vùng nuôi tôm lót bạt. Trong ảnh: Xử lý ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành – Ảnh: T.Hữu
Theo chính quyền xã Tam Tiến, dù đã có quy hoạch tạm vùng nuôi tôm lót bạt, nhưng phần lớn các hộ nuôi đều không đầu tư hệ thống xả thải bài bản, chất lượng nguồn nước đầu vào không tốt nên con tôm luôn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Thực tế, các vụ nuôi gần đây thất bát do dịch bệnh liên tiếp tấn công đàn tôm. Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ồ ạt ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái nên cách đây hơn 2 năm UBND tỉnh quy hoạch vùng nuôi tạm cho 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành với diện tích 285ha, triển khai đến năm 2018. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường), do các ao nuôi liền kề nhau, vùng nuôi tự phát trước đây không xây dựng bể lắng lọc để xử lý nguồn nước thải, trong khi phương án bảo vệ môi trường các địa phương triển khai chậm. Phần lớn sản phẩm dư thừa trong nuôi tôm đã tích tụ dưới đáy ao. Đây chính là nguồn gây nguy hại cho con tôm. Lớp bùn đáy ao này rất độc, thiếu ôxy và chứa nhiều chất độc như ammonia, nitrite, hydrogen sulfide. Lớp bùn dơ bẩn còn tác động lên nước trong ao nuôi làm suy giảm chất lượng nước. Trong khi đó, môi trường bên ngoài ao nuôi, chất thải dơ bẩn thường không được quản lý chặt chẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển. Việc tái sử dụng ao bị ô nhiễm hay xả thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh sẽ tạo điều kiện làm cho nguồn nước ô nhiễm gia tăng. Theo đánh giá quan trắc nguồn nước sông Trường Giang, có nhiều khu vực bị ô nhiễm là nguyên nhân làm phát sinh và lây lan dịch bệnh cho tôm, cá. Mặt khác, nguồn nước ngầm mạch nông tại một số khu vực nuôi tôm trên cát đã bị nhiễm mặn, vi sinh, chất hữu cơ. Hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển nghèo nàn là hệ lụy không giữ và làm sạch được nguồn nước.