Trái với những dự báo từ cuối năm ngoái, số liệu thống kê quý I năm nay cho thấy, xuất khẩu thủy sản đang bị sụt giảm mạnh, báo hiệu nguy cơ không hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cả năm.
Xuất khẩu giảm
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 đạt 1,27 tỷ USD, giảm gần 21% so cùng kỳ năm 2014. Một con số buồn của ngành thủy sản.
Mỹ và Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, tuy nhiên, so cùng kỳ năm trước, cả hai thị trường này đều giảm mạnh. Hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 159 triệu USD (giảm hơn 40% so cùng kỳ năm 2014), sang Nhật giảm 11,73%. Ngược lại, những thị trường châu Á đều có sự tăng trưởng mạnh (Trung Quốc gần 47%, Thái Lan gần 9%, Hàn Quốc 2%). Thị trường Trung và Nam Mỹ cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh (Mexico gần 43%); nhưng giá trị nhập khẩu thấp nên không bù được cho những thị trường truyền thống.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2015 có sự biến động của đồng Euro so với USD khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu bị ảnh hưởng, có doanh nghiệp còn không ký được hợp đồng mới.
Quý I/2015, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nhiều thị trường giảm – Ảnh: LHV
“Lâu nay, trong các hợp đồng ký với doanh nghiệp nhâp khẩu từ châu Âu đều thanh toán bằng USD và với việc đồng Euro mất giá so với USD, nhiều doanh nghiệp chỉ đồng ý mua hàng nếu chúng tôi hạ giá bán. Tuy nhiên, sau khi tính toán chi phí giá thành, chúng tôi buộc phải tạm ngưng giao dịch” – Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn ở Tiền Giang lý giải.
Trong bối cảnh USD tăng giá so với các đồng tiền chính khác, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm giá thành sản phẩm nhưng “lực bất tòng tâm”. Cước phí vận chuyển, các loại phí … đều tăng, khiến giá thành sản xuất không giảm mà phải tăng. Để cầm cự, doanh nghiệp chỉ còn cách giảm lượng bán.
Khai thác, nuôi trồng được mùa
Sản lượng khai thác thủy sản quý I/2015 đạt 750.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển 705.000 tấn, tăng 2,6%. Lượng cá ngừ đại dương đánh bắt của ngư dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đều tăng 5 – 10% so cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu về đánh bắt cá ngừ đại dương vẫn là Bình Định với 2350 tấn, tăng 5%; tiếp đến là Phú Yên với 1.800 tấn (tăng 5%), Khánh Hòa 1.550 tấn (tăng 10%).
Hai mặt hàng nuôi trồng chủ lực là cá tra và tôm, sản lượng đều tăng. Các sở NN&PTNT ở ĐBSCL cho biết: Sản lượng cá tra quý I/2015 của một số tỉnh tăng so cùng kỳ năm 2014, nhờ những tỉnh có thế mạnh nuôi cá tra có sự tăng mạnh, nhất là Đồng Tháp (26.500 tấn, tăng hơn 14%), Bến Tre (26.500 tấn, tăng 8,5%), An Giang (44.104 tấn, tăng hơn 2%).
Tôm sú cũng được ghi nhận là một vụ thu hoạch thắng lợi tại những tỉnh có diện tích, sản lượng lớn như Cà Mau (29.900 tấn, tăng gần 7%), Bạc Liêu (gần 7.000 tấn, tăng 10%), Bến Tre (1.500 tấn, tăng 23%).
Tuy nhiên, bài toán tỷ giá đã khiến ngành thủy sản, vốn dựa vào xuất khẩu là chính, gặp khó khăn trong quý I. Khi doanh nghiệp không bán được hàng thì phía “lãnh đủ” là người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong nước. Chuyện “được mùa, mất giá”, giờ đây nhiều khả năng lặp lại.
>> Mới đây, Ngân hàng Nhà nước thông báo không điều chỉnh tỷ giá VND và USD, đồng thời có giải thích. Vì thế, bức tranh ngành thủy sản nước nhà những tháng tới nhiều khả năng còn ảm đạm, khi xuất khẩu sang châu Âu hay Nhật khó tăng mạnh. |