Bơm bùn trực tiếp ra sông – lợi ích trước mắt, tác hại lâu dài.

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, người nuôi thủy sản trong tỉnh Sóc Trăng chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trên cá, tôm nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường nuôi bị ô nhiễm, người nuôi sử dụng hóa chất tràn lan, ao nuôi không qua xử lý, tình trạng bơm bùn trực tiếp ra môi trường tự nhiên vẫn còn.

Trước tình hình đó công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm, tuyên truyền, kiểm tra. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, nên hiện nay tình trạng bơm bùn ra sông vẫn lén lút diễn ra.

Từ lâu việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường đã được các cấp, ban ngành chú trọng. Hiệu quả công tác này được ghi nhận khi ngày càng có nhiều bà con quan tâm hơn và cùng góp sức; Tính riêng trong năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức gần 700 lớp tuyên truyền thu hút trên 21.600 lượt người tham gia, 2.800 hộ ký cam kết không vi phạm nghề cấm, 256 hộ tự nguyện giao nộp xung điện bắt cá, 236 tổ tự quản được thành lập để phát hiện và ngăn cấm các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp…

 

Bơm bùn trực tiếp ra sông – lợi ích trước mắt, tác hại lâu dài.

Tuy nhiên do thủy sản là nghề cho thu nhập chính của nhiều nông hộ trong tỉnh, mức độ nuôi thâm canh, bán bán thâm canh dần thay thế cho hình thức nuôi quảng canh, trong hơn 46.000 ha nuôi tôm nước lợ của tỉnh hàng năm, có trên 31.700 ha nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Do đó nhu cầu cải tạo lại ao sau mỗi vụ nuôi ngày càng tăng, việc xả thải nước và bùn đáy ao bừa bãi ngày càng khó kiểm soát.

Việc cải tạo ao nuôi là vô cùng cần thiết, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên tôm đang gay gắt, thì nhu cầu về một môi trường nước và ao nuôi sạch đóng vai trò thành bại của vụ nuôi. Trong suốt quá trình nuôi tôm, chất thải, thức ăn thừa, xác động thực vật cùng những lớp đất bị rửa trôi trên bờ bao xuống sẽ tích tụ dưới đáy ao, mang theo nguy cơ ô nhiễm và mầm bệnh, rất cần được xử lý. Trong khi đó diện tích bờ bao, đất thổ cư cũng như các nơi để chứa bùn ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến việc bà con lén lút bơm lớp bùn đáy ao ra sông, kênh rạch là điều dễ hiểu. Một số nơi bà con thả giống không đồng loạt, cải tạo ao nuôi không cùng lúc rất khó cho các ngành chức năng trong việc kiểm soát.

Xét về mức độ nguy hại, việc bơm bùn ra sông sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả cộng động chứ không riêng khu vực nào. Đối với một số hộ nuôi tôm công nghiệp đã có hệ thống xử lý, nước được luân chuyển từ ao nuôi qua ao lắng có nuôi cá rô phi, hoặc dùng biện pháp khử trùng nước, rồi mới được sử dụng, thì sẽ hạn chế tốt việc lấy nước từ ngoài vào. Riêng các hộ nuôi quảng canh trực tiếp lấy nước vào và không có điều kiện xử lý nước, thì chịu ảnh hưởng lớn của việc lấy phải nguồn nước bẩn. Chưa kể hệ thống kênh rạch sẽ dần bị bồi lắng hạn chế lượng nước chảy vào, ông Trịnh Công ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên bức xúc nói: “Tình trạng bơm bùn ra sông làm cho các hộ nuôi khác không lấy nước vô ao được, lớp bùn đáy ao tích tụ xác tôm chết, thức ăn thừa mầm bệnh, mấy ao tôm hư, tôm bệnh nếu thải thẳng ra sông, ra kênh nước chung sẽ làm dịch bệnh lây lan ra rộng, vì vậy các hộ nuôi phải tự ý thức để bảo vệ hiệu quả kinh tế cho mình và cũng vì lợi ích chung.”

Người nuôi tôm cải tạo ao, bơm bùn đáy ao trước khi thả nuôi

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sóc Trăng , trong năm 2014 đã tiến hành xử phạt hành chính 117 vụ vi phạm với tổng số tiền lên đến 219 triệu đồng, tịch thu trên 1000 bộ kích điện và bình ắc quy… Trong năm nay, việc kiểm tra kiểm soát sẽ thường xuyên hơn, mức độ xử lý vi phạm cũng sẽ cao hơn, trong đó sẽ đặc biệt chú ý đến hành vi bơm lén bùn trực tiếp ra sông. Ông Ngô Văn Hồ ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên cho biết ông chuyên làm nghề nạo vét ao nuôi, bơm bùn đáy ao, nhưng ông chỉ làm khi chủ hộ có chỗ chứa bùn chứ không nhận bơm bùn ra sông, vì ông cũng nuôi tôm nên ông biết tác hại của việc bơm bùn ra sông.

Ngoài ra, ngành chức năng khuyến cáo khi sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải bố trí nơi chứa đất, bùn và các chất thải khác, bảo đảm nước được lắng trong trước khi thải ra bên ngoài. Ngoài ra nên tận dụng lại lượng bùn này để giúp ích cho cuộc sống. Theo ông Phạm Hồng Nguyễn – cán bộ kỹ thuật phòng NN và PTNT huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo thì lớp bùn ao này bà con có thể đổ lên bao bờ, nâng cao nền, hoặc bơm lên đắp nền nhà hoặc trồng cây vì rất giàu phân hữu cơ, giúp lúa phát triển tốt rất phù hợp với mô hình tôm lúa.

Tính đến cuối tháng 4, bà con đã thả giống tôm được trên 8.000 ha, còn lại chủ yếu đang giai đoạn cải tạo ao, thời gian tới đây chính là cao điểm của việc lấy nước vào ao của bà con các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Do đó các cơ quan liên quan sẽ tăng cường tuần tra kiểm tra, nhằm ngăn chặn các hành vi làm hại đến môi trường. Bà con cần ý thức rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường chung cũng chính là bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Ngọc Khuê

Đài PT-TH Sóc Trăng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!