T2, 06/07/2020 11:36

Nghị định 67 đã đến với dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Số lượng tàu, hợp đồng tín dụng được đăng ký và thực hiện ngày một tăng đã chứng tỏ việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đang đúng hướng.

628 tàu được đăng ký đóng mới

Theo Bộ NN&PTNT, tính tới thời điểm này đã có 23/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá. Theo đó, số tàu đăng ký đóng mới là 628 chiếc; vỏ thép có 267 chiếc, vật liệu mới là 44 chiếc và tàu gỗ là 317 chiếc. Số tàu nâng cấp theo ưu đãi của Nghị định 67 là 80 chiếc.

Về công tác giải ngân đóng mới, nâng cấp tàu cá, tính đến hết ngày 24/4/2015, các ngân hàng thương mại đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố và ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 31 tàu (đóng mới 28 tàu, nâng cấp 3 tàu) với tổng số tiền là 271,01 tỷ đồng, thời hạn vay 11 năm; mức cho vay từ 60% – 95%, tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu. Dư nợ đến thời điểm này vào khoảng 70 tỷ đồng.

Về cho vay vốn lưu động cho các chuyến biển, tới nay, đã có 68 khách hàng tại 4 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên) được ngân hàng thương mại cho vay vốn lưu động đạt gần 22 tỷ đồng. Dư nợ đạt 18,2 tỷ đồng.

Về chính sách bảo hiểm, đã có 21/28 tỉnh phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số phí bảo hiểm khoảng 2.980 tỷ đồng.

Đặc biệt, các địa phương đang triển khai thực hiện các chính sách miễn thuế tài nguyên, môn bài; miễn thu tiền lệ phí trước bạ, tiền thuê đất, thuê mặt nước; không thu thuế giá trị gia tăng; hoàn thuế giá trị gia tăng; miễn thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu.

Ngư dân gặp khó khi vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu – Ảnh: Quang Quyết

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ NN&PTNT chỉ rõ, vướng mắc đầu tiên là về tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu và vốn lưu động. Cụ thể, về sử dụng máy tàu khi đóng mới chưa được quy định rõ nên một số địa phương và ngư dân muốn được sử dụng máy cũ khi đóng mới tàu. Liên quan đến mức vay thì cũng mới chỉ quy định mức vay tối đa nên một số ngân hàng thương mại cho rằng có thể cho ngư dân vay ở hạn mức thấp hơn và mức cho vay phụ thuộc vào việc thẩm định về khả năng trả nợ, phương án kinh doanh của ngư dân.

Còn tài sản thế chấp thì một số ngân hàng cho rằng ngư dân vẫn cần phải thế chấp bổ sung thêm tài sản khác làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ngoài tài sản là con tàu.

“Một số ngư dân còn thiếu vốn đối ứng để thực hiện dự án đóng mới tàu và việc xác định, giám định giá dự toán đóng tàu để làm cơ sở cho việc quy định mức vay còn gặp khó khăn nên làm tiến độ triển khai chậm… Quy định nâng cấp tàu cá phải thay máy mới có công suất 400 CV trở lên mới được hỗ trợ lãi suất vay, trong khi nhiều ngư dân đã có tàu công suất từ 400 CV trở lên, chỉ muốn vay vốn để gia cố vỏ tàu, nâng cấp hầm bảo quản hoặc mua sắm thiết bị khai thác… thì theo quy định không được vay và hỗ trợ lãi suất vay nên chưa thực sự động viên, khuyến khích ngư dân; mức lãi suất 7%/năm như hiện tại là ưu đãi chưa cao so với vay vốn thông thường trong khi thủ tục vay mất nhiều thời gian (xác nhận, thẩm định, phê duyệt …) nên chưa hấp dẫn đối với chủ tàu và vì vậy chính sách này chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay.

Thực tế triển khai cũng cho thấy chưa có quy định về hỗ trợ lãi suất vốn vay để nâng cấp tàu khai thác, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản bằng vật liệu mới (như tại Khánh Hòa, Phú Yên); thiết kế tàu mẫu, cũng chưa có thiết kế mẫu đối với các tàu vỏ vật liệu mới và vỏ gỗ.

 

Tháo gỡ vướng mắc

Trước những thắc mắc của các địa phương và đề xuất của Bộ NN&PTNT với Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho ý kiến về nhiều vấn đề. Theo đó, đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng (khi vay vốn đóng tàu) theo tiến độ, ngư dân không cần phải trả 1 lần mà có thể chia ra làm 3 hoặc 4 đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. NHNN nghiên cứu phần vốn đối ứng cho ngư dân có thể vay thương mại. Về thời gian vay vốn đóng tàu, trước một kiến nghị kéo dài thời gian hơn 11 năm như quy định, Phó Thủ tướng cho biết là phù hợp và sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.

Đối với quy định lãi suất cho vay vốn lưu động là 7%, Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất nếu thấy cao hơn lãi suất thông thường, đồng thời phải để người dân thuận lợi nhất khi tiếp cận tới vốn lưu động, vì người dân rất cần mặc dù không có tài sản đảm bảo.

Liên quan tới việc sử dụng máy cũ để nâng cấp, đóng mới tàu cá, cho rằng đây là vấn đề khó, nhưng lại sát với thực tiễn và nhu cầu của ngư dân, Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo các thành viên Chính phủ nội dung này vì nó không chỉ liên quan tới máy tàu cá mà còn liên quan tới trang thiết bị ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Tinh thần chung là quản lý được thì vẫn cho phép ngư dân sử dụng máy cũ để đóng tàu hoặc nâng cấp máy tàu.

Liên quan đến thiết kế tàu cá, với những điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tập quán của bà con, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc ủy quyền cho địa phương điều chỉnh gắn liền với trách nhiệm, còn điều chỉnh lớn về thiết kế thì vẫn phải thông qua phê duyệt của Bộ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ cho ngư dân.

>> Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định không có chuyện tàu cá đánh bắt xa bờ đã có công suất máy 400 CV trở lên muốn vay vốn ưu đãi nâng cấp ngư lưới cụ, trang thiết bị, buồng ướp cá thì phải thay mới máy. Tất cả được hưởng hỗ trợ vay vốn mà không cần phải thay máy.

Trần Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!