Thời tiết diễn biến bất thường khiến tôm chết hàng loạt. Cùng đó, giá tôm nguyên liệu rơi tự do, khiến người nuôi rơi vào cảnh “nghèo lại gặp eo”.
Khổ vì tôm chết
Tại Quảng Nam, cuối tháng 3 vừa qua, lũ bất thường khiến hàng loạt hộ nuôi tôm lâm cảnh điêu đứng vì tôm chết nổi trắng hồ. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Điện Dương (huyện Điện Bàn) cho biết, nắng gắt kéo dài rồi bất ngờ đổ mưa khiến độ pH trong nước thay đổi đột ngột. Ngoài ra, lượng mưa lớn làm giảm độ mặn trong hồ, mưa kèm theo acid khiến tôm nuôi chết hàng loạt.
Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), dù người nuôi đã thận trọng thả tôm giống nhưng không ít hộ phải sớm chịu thiệt hại. Ông Lê Bính (phường Ninh Hà) chia sẻ: “Gia đình tôi thả nuôi 50 vạn con giống, mới được 15 ngày tôm đã chết hơn 50%, số còn lại đến nay cũng rất chậm lớn”.
Tại ĐBSCL, từ đầu tháng 4 đến nay, tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Kiên Giang đã có 34.930 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó, Sóc Trăng, Bạc Liêu nhiều nhất với trên 29.000 ha, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Tôm chết đa số trong giai đoạn 15 – 45 ngày tuổi, do nhiễm hai bệnh phổ biến là hoại tử gan tụy và đốm trắng.
Tại Cà Mau, ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP) cho biết, từ đầu năm đến nay có gần 1.000 hộ nuôi tôm trái mùa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Trung tâm Khuyến ngư Cà Mau chỉ ra nguyên nhân là do thiếu nước. Hạn hán kéo dài khiến nước sông cạn kiệt, không có nước để đưa vào ao đầm tôm khiến tôm.
Đại diện Sở NN&PTNT Trà Vinh chia sẻ, dù bố trí lịch thả giống chậm hơn mọi năm và bà con chuẩn bị kỹ điều kiện nuôi, nhưng thời gian qua tôm nuôi vẫn bị chết diện rộng, nhiều nhất là ở huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.
Hết đường vì giá thấp
Nhiều nông dân Cà Mau tiết lộ, trước đây trong mùa khô hạn thường trúng mùa tôm nuôi trái vụ, nhưng năm nay 80% hộ nuôi trắng tay. Nguyên nhân là do vụ mùa thất bát, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào (thức ăn, thuốc thú ý thủy sản…) tăng cao.
Thời điểm này năm ngoái, tôm sú loại 30 con/kg có giá 240.000 đồng/kg nay chỉ còn 160.000 đồng/kg, loại 40 con/kg còn 140.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ 82.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái 110.000 – 120.000 đồng/kg.
Một số hộ nuôi tôm cho biết, với giá tôm giảm mạnh như hiện nay thì người nuôi thua lỗ nặng; do đó, nhiều hộ vẫn chưa dám thả nuôi, dù ao đầm đã cải tạo xong.
Sở dĩ tôm mất giá là do từ đầu năm đến nay các nhà máy chế biến ồ ạt nhập khẩu tôm nguyên liệu. Khi tôm nguyên liệu thừa, nhà máy giảm giá mua. Chưa kể, nhiều thương lái lợi dụng khó khăn hiện nay của người nuôi để ép giá.
>> Bà Trần Thanh Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS Khánh Hòa: Tôm chết do nóng và sốc môi trường. Nắng nóng kéo dài làm độ mặn tăng lên 15 – 35‰, nhiệt độ ngày – đêm chênh lệch quá cao. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi tôm với mực nước thấp (0,8 – 1 m), nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh, nước nóng khiến tôm không sống nổi. |