Phát huy lợi thế tự nhiên, nuôi trồng thủy sản của TP Hải Phòng đã có nhiều kết quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nông, ngư dân. Trong đó, phải kể đến các hoạt động tích cực của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng.
Hạn chế dịch bệnh
Hải Phòng là địa phương có truyền thống và kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 26.051 tấn; trong đó khai thác đạt 14.354 tấn, nuôi trồng đạt 11.697 tấn.
Tuy nhiên, thời gian qua nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Tại các vùng nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ xuất hiện dịch bệnh với một số bệnh nguy hiểm như: bệnh MBV, bệnh đốm trắng, bệnh ở gan, tụy, bệnh nhiễm trùng dưới da và hoại tử. Ngoài ra, các bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra như bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin ở tôm… Ở cá xuất hiện các bệnh: nhiễm khuẩn, xuất huyết, trùng mỏ neo… Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở thủy sản là do việc phát triển sản xuất tự phát, quy hoạch về nuôi trồng thủy sản chưa được rà soát, bổ sung kịp thời. Mặt khác, người nuôi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, lạm dụng hóa chất và chế phẩm xử lý môi trường. Một trong những yếu tố rất đáng quan tâm là chất lượng con giống chưa bảo đảm, diện tích nuôi trồng bị thu hẹp do phát triển đô thị và khu công nghiệp, ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu… Tất cả các yếu tố trên dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi thủy sản.
Một số địa phương, doanh nghiệp, các chủ đầm tôm đã làm tốt biện pháp phòng bệnh thủy sản nuôi. Tại vùng nuôi tôm công nghiệp xã Phù Long, huyện Cát Hải, bên cạnh kỹ thuật tạo ra các ao nuôi tiêu chuẩn, doanh nghiệp Sơn Trường còn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh bằng cách cải tạo ô đầm, tháo cạn nước, làm sạch đầm nuôi, bơm nước mới và ngăn cách giữa các ô bằng hệ thống tường bao bảo đảm tránh lây lan nếu xảy ra dịch bệnh.
Mô hình nuôi rạm trong ruộng lúa cho hiệu quả cao
Mặc khác, thực hiện sự chỉ đạo của ngành NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng đã tham gia chỉ đạo sản xuất và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài thành phố tuyên truyền tới người nuôi thủy sản kỹ thuật nuôi, cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch. Đồng thời, áp dụng một số mô hình nuôi hạn chế dịch bệnh như: Nuôi thủy sản áp dụng VietGAP, sử dụng các chế phẩm vi sinh an toàn…
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Trong những năm qua, nghề nuôi thủy sản của thành phố phát triển mạnh, các cơ sở sản xuất con giống được đầu tư phát triển từng bước đáp ứng yêu cầu, sản xuất được các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như bào ngư chín lỗ Bạch Long Vỹ, tu hài, ngao, cá bớp, cá song, cua… Hải Phòng xuất hiện nhiều mô hình, tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao như: các công ty TNHH: Phúc Hà, Khoa Thành, Sơn Trường; trại sản xuất cua giống Tân Trào, trang trại giống thủy sản Phương Lan, trang trại Ngôi Sao Thủy Tiên…
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng cũng thí điểm nhiều mô hình (nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cá chạch bùn, trê ta, hầm PU bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác…) cho hiệu quả cao, khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản ở địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến ngư cũng gặp không ít những khó khăn. Theo ông Lê Trung Kiên – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng, nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án, mô hình thủy sản còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu và thiếu hợp lý, đối ứng của người dân còn thấp. Cơ chế kinh phí khuyến nông trung ương còn nhiều bất cập như dự án khuyến nông cấp vùng có nơi rất cần, cần ít, chưa thực sự cần… điều này phải xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới khi sửa đổi Nghị định 02/2010/NĐ-CP.
Vấn đề tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho người dân cũng cần được quan tâm. Hải Phòng cũng rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản các đối tượng nước ngọt, mặn, lợ. Song do điều kiện khí hậu vùng, miền nên cũng có thời gian những sản phẩm nuôi trồng thủy sản nhất là các đối tượng nước ngọt có dấu hiệu thừa cục bộ, người dân không mặn mà đầu tư tiếp.
Cũng theo ông Lê Trung Kiên, khó khăn nữa là vấn đề quy hoạch các vùng nuôi. Thành phố cần chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều mô hình trình diễn đạt kết quả tốt song không thể nhân rộng, người dân không thể đầu tư lâu dài vì lúc nào cũng thấp thỏm vì quy hoạch thiếu bền vững. Bên cạnh đó cần hình thành vùng nuôi trồng thủy sản an toàn, tổ đội liên kết nuôi trồng có sự giám sát, tham gia của cộng đồng thay vì tự phát, nhỏ lẻ dễ gây dịch bệnh; áp dụng công nghệ cao, ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo đảm thân thiện với môi trường.
>> “Năm 2015, nhiều mô hình khuyến ngư trình diễn được triển khai đến năm thứ ba như: mô hình nuôi rạm trong ruộng lúa, nuôi lươn trong bể không bùn, nuôi ốc bươu ta… Mục đích nhằm khẳng định tính hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình ở địa phương nâng cao năng suất và hiệu quả trên cùng một diện tích, góp phần thực hiện chủ chương tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” – ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hải Phòng. |