Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thủy có diện tích trên 1.000 ha, là khu vực có sự tác động của con người với mục tiêu sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước nhằm từng bước khôi phục hệ sinh thái, kết hợp bảo tồn thiên nhiên với tạo nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Tại Phân khu phục hồi sinh thái trước năm 2000 là các loài thủy, hải sản tự nhiên như tôm, cá, cua, nghêu địa phương… được người dân tiến hành khai thác. Từ năm 2000 tới nay, người dân chuyển dần từ việc khai thác thủy, hải sản tự nhiên sang nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó chủ yếu là nuôi ngao quảng canh vì mục đích thương mại.
Hiện nay, Nam Định là tỉnh có diện tích nuôi ngao lớn nhất miền Bắc và tập trung chủ yếu tại huyện Giao Thủy. Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNT Giao Thủy, năm 2004 diện tích nuôi ngao của huyện là 700 ha, đến năm 2010 là 1.498 ha (tăng 114% so với năm 2004). Tuy nhiên, đến năm 2013 diện tích nuôi ngao giảm xuống chỉ còn 921 ha. Nguyên nhân giảm diện tích nuôi ngao là do sự biến động bồi, lở tự nhiên và đặc biệt là do sự tác động của cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) năm 2012. Năm 2013, ước tính sản lượng nuôi ngao vùng Cồn Lu từ 10.000 – 12.000 tấn, năng suất nuôi bình quân khoảng 13 – 14 tấn/ha (tính trên diện tích nuôi thương phẩm). Số liệu đo đạc năm 2014 cho thấy, chỉ tính riêng tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu đã có 347 vây (lô, đầm) nuôi ngao quảng canh với tổng diện tích hơn 1,1 nghìn ha. Các nghiên cứu về lượng giá kinh tế cho thấy hàng năm, thu nhập từ nuôi ngao của các hộ đạt từ 0,5 – 1 tỷ đồng/ha.
Cồn Lu thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Xuân Thủy
Tuy nhiên, hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên và hiệu quả nuôi ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái chưa bền vững và đang có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng giảm dần hiệu quả kinh tế – xã hội. Hiện nay, các hộ dân đang nuôi thả ngao quảng canh trong Phân khu chưa thực hiện việc khai báo hay đăng ký chính xác các diện tích họ đang sử dụng với cơ quan quản lý đất đai của khu vực này. Việc tự phát mở rộng diện tích nuôi thả ngao quảng canh tại Phân khu thiếu quy hoạch đã hạn chế quá trình phục hồi tự nhiên của các loài thủy, hải sản và rừng ven biển, đã gây nên những biến đổi bất lợi về môi trường, làm tăng nguy cơ ô nhiễm đất và nước, suy giảm năng suất và lợi nhuận trong nuôi thả ngao quảng canh, gây thiệt hại cho chính các hộ dân đang đầu tư nuôi thả ngao quảng canh ở đây. Nguồn lợi tự nhiên do dịch vụ sinh thái mang lại cho cộng đồng 4 xã vùng đệm không được phân bổ hợp lý, mà chỉ đáp ứng lợi ích cho một bộ phận người dân, tạo nguy cơ làm tăng mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
Xác định được thực tế đó, tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy đã triển khai thực hiện quy hoạch phân vùng và quản lý nuôi ngao bền vững với 455 ha vùng đệm và phối hợp với Vườn quốc gia Xuân Thủy tiếp tục sử dụng 1.043 ha vùng phục hồi sinh thái nuôi ngao. Ngày 23/1/2015, UBND tỉnh Nam Định đã Ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nội dung của đề án này là tổ chức cho cộng đồng dân cư địa phương xây dựng mô hình đồng quản lý nuôi ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái thông qua Hợp đồng giao khoán đất có mặt nước để bảo vệ và sử dụng nuôi ngao quảng canh. Đề án được thực hiện tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu rộng khoảng 1.000 ha (gồm 4 xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải). Đề án có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương được hưởng lợi từ việc nuôi ngao quảng canh trong khu vực (các cá nhân, hộ, nhóm hộ nuôi ngao) và sự tham gia của các bên liên quan ở địa phương. Dự án sẽ chia làm 3 giai đoạn chính. Từ năm 2014 – 2015 củng cố tổ chức và thực hiện thí điểm trên diện hẹp; từ 2015 – 2016 sẽ nhân rộng mô hình ra cả 4 xã; từ 2016 đến những năm tiếp theo sẽ tiến hành củng cố, định hình và phát triển. Dự án được thực hiện hứa hẹn sẽ tạo nên sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động nuôi ngao quảng canh của địa phương. Thông qua mô hình đồng quản lý trong nuôi thả ngao quảng canh tại Phân khu phục hồi sinh thái Cồn Lu, cộng đồng dân cư địa phương sẽ có được thu nhập tương đối khá để cải thiện đời sống. Tạo được nguồn tài chính bền vững cho Vườn quốc gia Xuân Thủy và địa phương từ việc cho thuê đất mặt nước để nuôi thả ngao. An ninh trật tự và mục tiêu bảo vệ tài nguyên, môi trường ở khu vực được đảm bảo vì có sự cam kết và tham gia chủ động, tích cực của chính cộng đồng địa phương. Ý thức trách nhiệm chung của cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng được tăng cường theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới.
>> Vườn quốc gia Xuân Thủy là một trong 5 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (theo Công ước Ramsar) và là một trong trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới (thuộc Chương trình Con người và Sinh quyển – MAB của UNESCO). |