Nhiều năm nay, người dân một số xã ở các huyện ven biển luôn sống trong tâm trạng bất an do tình trạng sạt lở ven biển ở mức báo động, nhất là vào mùa mưa bão… Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm cho tình trạng bồi lắng tại các cửa biển ngày càng trầm trọng gây khó khăn cho ngư dân.
Xã ven biển Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở đất do sóng biển xâm thực. Nước biển dâng cao, do sóng to, gây sạt lở đất, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản. Nhiều năm qua, người dân nơi đây cũng đã có những việc làm thiết thực, chủ động bảo vệ gia đình trước thiên tai, bão lụt.
Hằng năm, đến mùa mưa bão, người dân xóm Đồng Thanh tự làm kè hạn chế sóng biển gây sạt lở vào nhà. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, trong khi tình trạng sạt lở và xâm thực diễn ra rất nhanh, vì thế cứ đến mùa mưa bão, người dân trong làng lại phải sơ tán để phòng tránh.
Niềm vui đến với bà con vùng biển Quỳnh Lập khi năm 2014, dự án đê kè chắn sóng với chiều dài 2 km đã có tác dụng rõ rệt trong việc phòng, chống thiên tai, người dân không còn phải lo lắng sạt lở mỗi khi mưa lũ về. Thế nhưng, hiện xã vẫn còn 3 xóm Đồng Thanh, Đồng Minh, Tân Minh với 750 hộ luôn phải đối mặt với nguy hiểm mỗi khi mưa bão về.
Hệ thống đê kè 2 km được hoàn thành năm 2014 ở xã Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai).
Ông Trần Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết: “Hàng năm, trước mùa mưa bão, xã thành lập các đoàn kiểm tra hệ thống đê kè, nắm rõ tình hình dân cư sống vùng ven biển để làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, tránh thiên tai. Khi mùa mưa bão về địa phương kiên quyết tổ chức di dân vùng xung yếu ven biển. Khó khăn của địa phương hiện nay là có chiều dài gần 7 km ven biển cần được đầu tư xây hệ thống đê biển kiên cố, đòi hỏi kinh phí lớn, địa phương không thể giải quyết được…”.
Tại Lạch Vạn, thuộc xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tình trạng bồi lắng đã gây ách tắc, cản trở tàu thuyền đánh cá. Mặc dù dự án nạo vét đất bồi ven biển đã xử lý, tuy nhiên, đến nay do sạt lở phía Diễn Kim dồn sang đang làm cạn luồng lạch. Đầu năm 2015, một tàu đánh cá của ngư dân xã Diễn Bích mắc cạn, không thể kéo lên được, đã phải phá tàu.
Ông Phan Đình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thành, cho biết: “Điều quan tâm nữa là tình trạng bèo rác ở Lạch Vạn, nhất là vào các đợt mưa lũ. Xã huy động nhân dân ra quân dọn dẹp nhưng đâu lại vào đấy, gây ảnh hưởng rất lớn đến mùa du lịch của Diễn Thành…”.
Hiện tượng sạt lở, bồi lắng đất vùng ven biển ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Để ứng phó với thiên tai, việc phát huy vai trò chủ động của người dân được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. Thời gian qua, các vùng ven biển được đầu tư những công trình ứng phó với thiên tai. Đơn cử ở Diễn Châu, có 25 km bờ biển, ngoài 2 tuyến đê biển, 3 tuyến đê sông, cửa sông với chiều dài 75 km do Nhà nước đầu tư xây dựng thì nhân dân trong huyện cũng chủ động góp hàng tỷ đồng để xây dựng 150 km kênh mương tiêu thoát nước, trồng hơn 2.000 ha rừng ngập mặn ven biển và rừng phòng hộ, kè trên 2 km bờ sông bị sạt lở. Cùng với đó, huyện Diễn Châu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kỹ năng của cộng đồng trong việc phòng, chống thiên tai.
Dọc chiều dài bờ biển 82 km trên địa bàn tỉnh, có 6 cửa sông, hàng năm có từ 2 – 3 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An. Theo đó, việc đảm bảo an toàn về người, cơ sở hạ tầng của vùng ven biển là yêu cầu cấp thiết. Ông Lê Đình Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống bão lụt tỉnh cho biết: “Việc xây dựng các tuyến đê cửa biển và sông đã được chính quyền và nhân dân thực hiện bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn ở mức độ vừa phải nên công tác này chỉ đáp ứng được ở mức độ phòng, chống được gió cấp 7, cấp 8.
Trong tình huống bão lớn, tỉnh và các địa phương đã xây dựng phương án di dân dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Về lâu dài, những vùng xung yếu này cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đê để chống triều cường dâng, xâm nhập mặn, đồng thời công tác nạo vét luồng lạch cũng cần tiến hành hàng năm, tạo thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân đi lại, đánh bắt hải sản và tránh trú khi gió bão…”.