Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tìm nhiều nguồn để đầu tư phát triển lưới điện phục vụ sản xuất của người dân. Trong đó, tích cực nhất là động thái tỉnh Cà Mau cho ngành điện lực ứng trước 147 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp các bình biến áp, đường dây và phát triển trạm biến áp mới với hình thức trả dần từng năm (mỗi năm 10%).
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất cho diện tích nuôi tôm công nghiệp. Từ đó, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền ra để mua bình hạ thế điện phục vụ sản xuất của gia đình. Và rồi câu chuyện nhập nhòa trong việc áp giá điện cũng xuất phát từ đây.
Ðể lắp đặt bình biến áp, 1 hay nhiều hộ cùng khu vực phải bỏ ra số tiền từ 60 đến trên 100 triệu đồng tùy công suất lớn nhỏ. Và khi lắp đặt xong, điện lực đưa ra 2 phương án để người dân lựa chọn. Nếu người dân tự quản lý thì mọi hư hỏng gì phải tự bỏ tiền ra sửa chữa, còn nếu giao cho ngành điện quản lý thì việc sửa chữa khi có hư hỏng thuộc về trách nhiệm của điện lực. Theo ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ða phần người dân đều chọn phương án giao cho ngành điện quản lý. Bởi lẽ, người dân có ai biết và hiểu gì về nó đâu mà quản lý, quan trọng nhất là làm sao miễn có điện để sản xuất”.
Khi nói về quyền lợi người dân tự bỏ tiền đầu tư bình điện, ông Nguyễn Văn Luy, Phó Giám đốc Ðiện lực Phú Tân, huyện Phú Tân, cho biết, theo chỉ đạo của ngành điện, những trường hợp người dân tự đầu tư bình, điện lực sẽ hỗ trợ kinh phí khảo sát thiết kế, công lắp đặt, công giám sát… nếu so với việc thuê các công ty ngoài chi phí giảm khoảng 40%. Ðồng thời, người dân khi tự bỏ tiền đầu tư bình hạ thế sẽ được áp giá và phụ tải luôn ổn định. Tuy nhiên, giá điện được áp là bằng với giá những nơi điện lực đầu tư.
Giá điện được áp nơi người dân tự bỏ tiền hạ thế bằng với những nơi khác (nơi điện lực đầu tư bình) cũng là một trong những câu chuyện khiến nhiều người không đồng tình. Nếu căn cứ theo Ðiều 16 của Thông tư số 19/2013/TT-BCT ngày 31/7/2013 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện khu tập thể, cụm dân cư thì bên mua điện đầu tư trạm biến áp giá bán điện thấp hơn so trường hợp trạm biến áp do bên bán đầu tư.
Ngoài ra, việc chung 1 khu vực nuôi tôm cùng sử dụng nguồn điện của 1 bình hạ thế nhưng lại có hộ được áp giá, hộ thì không cũng đang là câu hỏi được nhiều người dân nuôi tôm đặt ra cho ngành điện. Ðối với vấn đề này, ông Luy giải thích, để áp giá điện phải thỏa mãn 3 điều kiện là hộ nuôi tôm phải nằm trong vùng được quy hoạch, sử dụng không quá 30 Ampe và bình điện khu vực đó chưa quá tải. Từ đó, tuy cùng 1 khu vực nhưng có những hộ nộp đơn yêu cầu áp giá trước thì thỏa mãn các điều kiện trên. Các hộ nộp đơn sau do phát sinh thêm ao nuôi mới từ hộ cũ, phát sinh thêm người nuôi mới… khiến bình hạ thế khu vực đó quá tải nên không thể áp giá.
Điện không chỉ là yếu tố quan trọng quyết định thành công 1 vụ nuôi, mà còn là một trong những nhân tố cấu thành giá thành sản phẩm. Đủ điện và giá thành hợp lý, khả năng sinh lãi của người dân sẽ cao hơn. Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ ngồi lại với Sở Công thương, Điện lực Cà Mau tìm ra giải pháp phù hợp nhất để đảm bảo đủ điện và giá thành rẻ nhất, tạo thuận lợi cho việc sản xuất của người dân.