Nhờ mô hình nuôi tôm hiệu quả, ông Hoàng Xuân Tin tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã “lên đời”. Ông Tin luôn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm cho người dân muốn học hỏi.
Đi lên từ con tôm
Năm 2000, phong trào nuôi tôm thâm canh dưới sự hướng dẫn của ngành thủy sản tỉnh Nghệ An được người dân xã Quỳnh Bảng rất quan tâm. Với mong muốn làm giàu chính đáng, ông Tin đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm. Sau đó, ông đào ao, xây đê và vào tận miền Nam để lấy giống tôm sú về nuôi. Ngay vụ nuôi đầu tiên ông đã gặp may, tôm nuôi phát triển nhanh và bán được giá. Từ đó, ông Tin tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm trồng và thuê cả kỹ sư từ miền Nam ra để hướng dẫn cách nuôi tôm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đến nay, diện tích nuôi tôm của gia đình ông Tin đã lên tới 12 ha với 22 ao. Trước đây, ông thả nuôi hai vụ tôm sú với sản lượng đạt trên 160 tấn tôm. Trung bình mỗi năm ông thu trên 3 tỷ đồng. Ông Tin còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động.
Ông Hoàng Xuân Tin đang giới thiệu mô hình tôm của gia đình – Ảnh: Vũ Mưa
Ông Hoàng Xuân Tin chia sẻ: Tôm sú là thực phẩm không chỉ bán chạy ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu nên người nuôi tôm không phải lo “đầu ra” cho sản phẩm mà chỉ cần tập trung nuôi tôm đúng kỹ thuật để đạt năng suất cao nhất. Những ngày đầu nuôi tôm, ông gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đào ao, xây đê để nuôi tôm rất tốn kém, đặc biệt là kỹ thuật nuôi sao cho tôm đảm bảo phát triển nhanh, tránh được dịch bệnh là điều quan trọng nhất. Tìm đọc các tài liệu và học hỏi kinh nghiệm, đi tham quan các mô hình nuôi tôm sú, ông Tin đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Từ năm 2008, cùng với nuôi tôm sú, ông Tin còn nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, ông chuyển gần hết các ao sang nuôi TTCT. Vụ 1/2014, sản lượng khoảng 40 tấn, doanh thu hơn 4 tỷ đồng, lãi ròng 2,5 tỷ đồng. Vụ 2/2014 cũng cho hiệu quả khá.
Chú trọng con giống và môi trường
Hiện, huyện Quỳnh Lưu chỉ có rất ít cơ sở ương gièo tôm giống, mỗi năm cung ứng khoảng 130 triệu post, đạt 20 – 25% nhu cầu tôm giống tại huyện, trong khi tổng nhu cầu thả giống của toàn huyện 400 – 500 triệu post/năm. Do đó vào mỗi vụ nuôi, tính thời vụ cao, người dân phải lấy giống từ các cơ sở khác ở Thị xã Hoàng Mai và mua giống trôi nổi chuyển từ miền Nam ra (chưa qua ương gièo), chất lượng không kiểm soát được. Do thiếu giống, người dân phải mua ngoài luồng nhiều, giống trôi nổi, khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Biết vậy nhưng vào đầu vụ người dân đã chuẩn bị ao đầm, xử lý nước, tốn kém nhiều chi phí ban đầu; đến ngày thả không có giống, phải liều mua giống trôi nổi.
Ông Tin nói: “Quan trọng nhất với người nuôi tôm là phải nhập con giống phù hợp nguồn nước nuôi, tập trung cải tạo ao nuôi và xử lý chất thải sau thu hoạch”. Để chủ động hơn trong nuôi tôm, chọn tôm giống chất lượng, ông Tin còn xây dựng trại ương giống, chuyên lấy giống từ Công ty TNHH Thông Thuận (tỉnh Bình Thuận) đưa về ương gièo cung ứng giống cho người dân ở đây mỗi 70 – 100 triệu con giống. Khi chuyển từ miền Nam ra, tôm giống được ương gièo trong 3 ngày để làm quen môi trường địa phương; đồng thời được ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra con giống, giống đảm bảo khỏe mạnh, sạch bệnh mới cho ương bán.
Ông Tin chia sẻ: “Nghề nuôi tôm phụ thuộc môi trường. Tôm là loài vật nuôi rất nhạy cảm, chỉ biến động về thời tiết hoặc môi trường ao nuôi đã khiến tôm có thể bị nhiễm bệnh. Từ thực tế, tôi nhận thấy do môi trường và thời tiết, tôm bị bệnh đường ruột không lớn được, nên khi nuôi tôm cần đặc biệt chú trọng vấn đề môi trường bằng cách giảm ao nuôi, tăng diện tích ao lắng trữ nước sạch để thay nước thường xuyên nhằm tạo môi trường sạch để tôm phát triển, hạn chế dịch bệnh”.
Để nguồn nước trong ao nuôi luôn sạch, ông Tin quy hoạch hệ thống hồ, đầm, bờ, sục nước, sục khí… Năm 2012, ông đã đầu tư xây dựng đường ống bơm nước từ biển vào tới tận ao nuôi tôm với chiều dài 5 km. Nhờ đó, khu vực trại tôm của ông có thể chủ động được nguồn nước biển, hạn chế dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm. Ông và một số hộ nuôi tôm tại địa phương cũng đang thực hiện nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhờ những kinh nghiệm nuôi tôm hiệu quả, người dân nhiều nơi đã đến tham quan, học tập mô hình của ông Tin và được ông tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ bí quyết thành công.
>> Hiện nay, ông Hoàng Xuân Tin là Chủ nhiệm Hợp tác xã Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng. Hợp tác xã có gần 50 xã viên, đầu tư mở rộng 120 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, với sản lượng xuất bán trung bình mỗi năm đạt trên 1.000 tấn tôm thương phẩm. |