Hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Để thực hiện được việc này cấp thiết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác. Đây cũng là nội dung Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực phía Nam” vừa được Bộ NN&PTNT, phối hợp với tỉnh Kiên Giang tổ chức ngày 26/6, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.


Khuyến khích phát triển

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề cá. Nhờ đó, cả nước hiện có trên 128.000 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt hải sản xa bờ (công suất trên 90CV) trên 24.000 chiếc. Cùng với sự phát triển của số lượng tàu thuyền, công nghệ khai thác của nước ta cũng có một số vượt bậc như đưa các thiết bị hàng hải trên tàu cá, sử dụng vật liệu mới bảo quản sau thu hoạch.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản – Tổng cục thủy sản khẳng định: Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành khai thác hải sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ngư dân. Ngư dân khắc phục khó khăn bám biển sản xuất, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu cho chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều mô hình bảo quản sản phẩm tiên tiến đã được ngư dân áp dụng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ông Tuấn cho biết thêm, 14/28 tỉnh, thành phố ven biển đã trang bị các trạm bờ và máy thông tin liên lạc trên tàu phục vụ giám sát các hoạt động của tàu cá trên biển và công tác phòng chống lụt bão giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai. Hoàn thành giai đoạn thí điểm lắp đặt 7.000 máy thu trực canh trên tàu cá cho ngư dân. Hỗ trợ thiết bị giám sát tàu cá theo dự án MOVIMAR cho 3.000 tàu cá; Chuyển đổi nghề nghiệp khai thác, điều chỉnh cơ cấu các nghề khai thác thủy sản tự nhiên phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; Kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác mang tính hủy diệt; Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp khai thác nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ sang các ngành nghề thích hợp khác ở một số vùng ven biển…

Viện Khoa học và Công nghệ kỹ thuật thủy sản – Trường Đại học Nha Trang đã nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao công nghệ, thiết bị bẫy lồng cải tiến cho một số tỉnh thành, phục vụ phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ven bờ, tạo sinh kế, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường. Một số địa phương đã được chuyển giao, ứng dụng thiết bị kỹ thuật này như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…

Nghề đánh bắt thủy sản hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động trên biển và hàng triệu nhân khẩu kèm theo. Hằng năm, lực lượng lao động này cung cấp trên 2,5 triệu tấn thực phẩm cho người tiêu dung trong nước.

 

Vẫn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay hơn 99% tàu cá Việt Nam vẫn là tàu gỗ, thiết kế dân gian, không gắn kết với các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa tiếp cận được với các công nghệ, các thiết bị tin học, viễn thông hiện đại. Mặt khác, đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là nghề đánh bắt xa bờ.

Tiến sĩ Dương Minh Chuẩn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết: Ngư dân đi biển lao động nặng nhọc, chủ yếu làm thủ công do phần lớn tàu cá mức cơ giới hóa, tự động hóa thấp. Ngư dân đánh bắt theo kinh nghiệm may rủi, không đủ sức hoặc chưa chịu đầu tư ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong khai thác, nhất là mua thông tin qua vệ tinh. Trên ngư trường, nghề nào có ăn thì lập tức bỏ nghề cũ ồ ạt chuyển sang nghề mới dù điều kiện khai thác của tàu thuyền không đảm bảo, không kinh nghiệm.

Tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của nước ta khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng không phải do trình độ khai thác tiên tiến mà do khai thác vào mùa các loài thủy sản sinh sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt, khai thác không sàng lọc, hủy diệt nguồn lợi thủy sản như sử dụng lưới mắc dày, chất nổ, chất độc… để đánh bắt. Chất lượng sản phẩm thấp do xử lý và bảo quản chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, thiếu đầu tư, bảo quản sản phẩm sau khai thác phổ biến là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, tổn thất sau thu hoạch lớn.

Bên cạnh đó, thông tin về giá cả thiếu minh bạch, không kịp thời, dẫn đến ngư dân bị ép giá. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên chưa được đào tạo phù hợp để đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại. Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nhiều bất cập, chưa đủ mạnh để phục vụ nhu cầu nghề khai thác hải sản xa bờ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các địa phương đề ra những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển ngành nghề này hiệu quả. Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và phát huy những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản đã được ban hành. Tiếp tục đề xuất Chính phủ đầu tư trang bị các máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh đối với các tàu cá xa bờ. Hỗ trợ đóng mới tàu cá vỏ gỗ, thép, vật liệu mới để nâng cao năng suất, hiệu quả của nghề khai thác, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020. Đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản. Nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến, có tính chọn lọc cao, phù hợp với ngư trường, nguồn lợi nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nghiên cứu chuẩn hóa các mẫu tàu cá; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với loại nghề, đối tượng khai thác; Chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho cộng đồng ngư dân ven biển…

>> Dự kiến trong thời gian tới, số lượng khai thác hải sản xa bờ đóng mới bổ sung là 2.079 chiếc, trong đó: Đông Nam bộ là 426 chiếc và Tây Nam bộ là 185 chiếc. Số lượng tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ đóng mới bổ sung là 205 chiếc, trong đó Đông Nam bộ là 37 chiếc và Tây Nam bộ là 20 chiếc.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!