T2, 06/07/2020 11:47

Khai thác hải sản giữa vụ nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Trên các ngư trường truyền thống, thường thì bà con ở địa phương tập trung khai thác vụ cá nam bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 9 hàng năm. Bởi khi đó, gió Tây Nam thổi lên, mang theo nguồn lợi cá nổi với mật độ và tần suất ngày càng nhiều. Đây cũng là thời điểm mà ngư dân Bình Thuận vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản bằng đa dạng hình thức như: Lưới rê, câu khơi, câu lộng, kéo lưới, pha xúc, vây rút chì…

Thế nhưng vào đầu tháng qua – tức giữa vụ nam của năm 2015, thời tiết thường có gió mạnh và nước chảy xiết, gây không ít khó khăn cho hoạt động khai thác trên các ngư trường truyền thống. Dù vậy từ giữa tháng 7 đến nay, tình hình đã khá hơn nên tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân địa phương “trực chỉ” biển Đông theo luồng cá nổi xuất hiện mỗi lúc một dày hơn… Qua theo dõi, Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: Phần lớn trong số 2.248 tàu thuyền tham gia nghề câu (chiếm hơn 30% tổng số phương tiện đánh bắt) vẫn kiên trì bám biển dù gặp khó khăn về thời tiết. Đối với nghề này, ngư trường khai thác chủ yếu tập trung ở trong tỉnh như Mũi Điện, Phú Quý hoặc khu vực đảo Trường Sa, Hoàng Sa và vùng tiếp giáp các nước.

Dù thời tiết không thuận lợi, song đa số phương tiện đánh bắt vẫn vươn khơi khai thác hải sản.  

Cũng có số lượng đông đảo tham gia đánh bắt vụ nam là nghề lưới rê với 2.448 chiếc (chiếm 33,4% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh), nhưng nhóm phương tiện có công suất dưới 20 CV chiếm đến 58,4%. Chính vì vậy nghề lưới rê chỉ hoạt động ở vùng ven bờ của Bình Thuận như khu vực Hòn Rơm, quanh đảo Phú Quý hoặc xa hơn tại vùng biển Côn Sơn, Vũng Tàu. Thời gian gần đây, do gió thổi mạnh và nghề rê ghẹ ít đem lại hiệu quả nên ngư dân địa phương đã chuyển sang khai thác đối tượng cá nổi là bạc má, cá trích… Đánh bắt giữa vụ nam còn có nghề kéo đơn và kéo đôi với tổng cộng 1.089 tàu thuyền (chiếm 14,6% phương tiện) tham gia hoạt động liên tục trên biển khoảng từ 18 – 20 ngày/tháng. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, nghề kéo lưới có ngư trường tập trung tại các vùng biển trong tỉnh và một số địa phương lân cận, trải rộng đến khu vực đảo Côn Sơn.

Do trước đó phải nằm bờ vì ảnh hưởng gió thổi mạnh, nên nghề vây rút chì với 476 chiếc (chiếm 6,5% tổng số tàu thuyền) đã tăng cường hoạt động khai thác vào những ngày cuối tháng. Được biết thời điểm này, các tàu thuyền tất bật thu hoạch nguồn lợi cá nổi nhỏ như cá nục, ngừ ồ, cơm áp lộng xuất hiện tương đối dày quanh đảo Phú Quý, Trường Sa và một số ngư trường truyền thống trong tỉnh. Cùng với đó là nghề mành có 369 tàu thuyền (chiếm tỷ lệ 5%) đánh bắt cá tráo, cá nục, mực ống và nghề lồng bẫy với 311 phương tiện (chiếm 4,1%) hướng đến khai thác đối tượng ốc hương, ghẹ, bạch tuộc… Riêng nghề pha xúc trên toàn tỉnh hiện có 153 tàu thuyền (chiếm tỷ lệ 2,1%) thì ít gặp thuận lợi vào giữa vụ nam, hoạt động chỉ khoảng 8 ngày trong tháng và thời gian còn lại phải nằm bờ.

Với tổng số 246 tàu thuyền và khoảng 500 thúng máy (chiếm 3,4% phương tiện) hành nghề lặn hải đặc sản cũng đối diện nhiều khó khăn do trong tháng qua có nước chảy xiết, đục và lạnh. Thêm vào đó tại Bình Thuận đang trong mùa cấm khai thác sò lông, điệp quạt nên hoạt động lặn của bà con ngư dân trầm lắng hẳn, dẫn đến sản lượng giảm đáng kể. Tình hình này buộc một số phương tiện đánh bắt của Bình Thuận phải di chuyển ra ngư trường phía Bắc đến tận Hà Tĩnh, Quảng Ninh để khai thác… Với nỗ lực vượt khó, biết tận dụng thời tiết ngư trường thuận lợi để tập trung đánh bắt hải sản, do vậy tính đến hết tháng 7/2015 toàn tỉnh ước đạt sản lượng 98.201 tấn, đạt 52% kế hoạch năm. Trong đó sản lượng cá các loại chiếm phần lớn, tiếp đến là mực, tôm, ghẹ và một số hải đặc sản có giá trị kinh tế…

Quốc Tín

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!