T2, 06/07/2020 11:48

Ngư dân được mùa cá cơm săn

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 2 tháng qua, đa số tàu đánh cá của ngư dân thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cập bến đều đầy ắp cá cơm săn. Ngư dân, ai cũng vui mừng vì các chuyến biển trúng đậm cá cơm săn, sau nhiều năm vắng bóng.

Trúng mùa cá

Sáng sớm, tàu cặp bến, những giỏ cá cơm săn tươi rói được bà con ngư dân nhanh chóng chuyển vào bờ đưa đến các lò trụng (cơ sở sấy cá cơm khô). Không khí lao động khẩn trương cộng với tiếng hỏi thăm “Tàu trúng được mấy trăm giỏ?”, rồi cười nói rộn rã của người mua và bạn tàu làm cho cả vùng biển Hòa An trở nên nhộn nhịp.

Ngư dân Phạm Văn Bông, một chủ tàu cá ở Hòa An, cho biết: Từ ngày 20/6 đến nay, tàu đánh bắt cá cơm săn ở vùng biển Hòn Khô, Hòn Lao được mùa nên ngư dân ai cũng phấn khởi. Mỗi tàu thuyền công suất 40CV trong một chuyến đánh bắt nhiều thì được 3 đến 4 tấn, ít nhất cũng được 1 tấn cá cơm bán với giá 20.000 đồng/kg. Có đêm nhiều tàu sau khi trừ phí tổn, thu được 40 đến 50 triệu đồng, có đêm thấp hơn, “bù qua chế lại” một tháng thu trên 150 triệu đồng”.

Còn ông Phạm Văn Quang, một chủ tàu chuyên đánh bắt cá cơm ở đây, cho biết: Hiện nay, tàu đánh bắt cá cơm cả ngày lẫn đêm. Ban đêm đánh bắt pha xúc, nghĩa là ra vùng biển chong đèn pha, cá dồn đến thì dùng tấm lưới to gắn 2 đầu vào 2 cây sào xúc. Còn ban ngày bủa lưới rút trủ, những ngư dân có điều kiện đầu tư máy tầm ngư để dò ngư trường ở độ sâu đến 40m, khi phát hiện luồng cá thì bủa lưới rút. Một tàu khoảng 11 bạn tàu làm nghề đánh bắt cá cơm. Do được mùa cá cơm nên mỗi bạn tàu thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.

Phơi cá cơm ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa (TX Sông Cầu) – Ảnh: L.Trâm

Theo nhiều ngư dân, mùa đánh bắt cá cơm bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 9, lúc đó biển động nên các tàu nghỉ đánh bắt. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khác lạ, cá cơm xuất hiện thời điểm gần cuối vụ. Trong số các tàu đánh bắt cá cơm ở thôn Hòa An trong tháng vừa qua, tàu của ông Nguyễn Văn Quanh trúng đậm cá cơm, trên 300 triệu đồng. “Thôn Hòa An có 40 tàu chuyên đi đánh bắt cá cơm, trung bình sau một ngày đêm đánh bắt được trên 100 tấn cá cơm. Gần 2 tháng qua, cá cơm xuất hiện nhiều trên vùng biển, sau nhiều năm liền vắng bóng”, ông Quanh nói.

 

Nhộn nhịp làng nghề

Thôn Hòa An có 4 lò hấp trụng cá, thời gian qua đã thu hút gần trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là phụ nữ, giúp họ có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Cũng nhờ cá cơm xuất hiện dày, không chỉ ngư dân vươn khơi phấn khởi mà ngay cả những lò hấp trụng cá cơm cũng vui mừng không kém. Từ mờ sáng, họ cho tàu ra tận Hòn Khô, Hòn Lao mua cá từ các bạn hàng tàu ngay trên biển những mẻ cá cơm tươi rói vừa vớt lên.

Ông Dương Văn Tới, một chủ lò hấp trụng cá cơm, cho biết: “Những năm trước, cơ sở của tôi chỉ thu mua được vài tấn cá cơm để trụng. Nhưng năm nay, mỗi ngày cơ sở thu mua trên 100 giỏ, quy ra từ 30 đến 40 tấn cá cơm. Cá cơm săn phơi khô được các thương lái các nơi “ăn” mạnh, buộc chúng tôi phải huy động nhiều tàu sáng sớm và chiều tối ra ngoài biển chuyên chở cá cơm tươi vào trụng xong rồi phơi để cung cấp cho các bạn hàng từ xa”.

Không chỉ chủ tàu, lò hấp mà nhiều người làm nghề phơi cá cơm khô tại Hòa An ai cũng mừng vì họ có công ăn việc làm. Những lao động làm nghề này ăn theo sản phẩm, vì vậy ngày nắng gắt phơi khô một ngày 2 lứa, ngày yếu nắng phơi khô một lứa, còn mưa nắng đan xen thì 3 đến 4 ngày mới khô, trung bình thu nhập gần 100.000 đồng/ngày. Chị Bùi Thị Hoa, một người phơi cá cơm, chia sẻ: “Nghề của tôi là nghề đội nắng. Khi cá cơm trụng xong chuyển ra giàn phơi, cứ 5 đến 10 phút trở một lần. Mấy năm trước mất mùa cá cơm, không có nguyên liệu để làm dẫn đến thất nghiệp. Năm nay nghề này làm đều đặn từ đầu tháng 7 đến nay, chị em chúng tôi có thêm thu nhập”.

Cá cơm sau khi đưa lên bờ đều được các cơ sở chế biến thủ công mua để sơ chế qua 3 công đoạn: lựa, hấp và phơi. Sau đó, họ bán lại cho thương lái trong và ngoài tỉnh để xuất khẩu. Cá cơm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được dùng để chế biến nước mắm.

>> Ông Phạm Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm thôn Hòa An có 75 hộ dân làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và một số xã lân cận. Gần 3 năm nay, năm nào ngư dân trong xã cũng mất mùa cá cơm, dẫn đến thiếu nguyên liệu để sản xuất nên làng nghề yên vắng. Mới đây, cá cơm xuất hiện nhiều, ngư dân ở thôn Hòa An vui mừng, làng nghề chế biến sản phẩm từ cá cơm sôi động trở lại, giúp người dân tăng thu nhập.

Mạnh Hoài Nam

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!