Ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng báo động. Nhiều năm qua, người dân kêu cứu nhưng chẳng mấy ai đoái hoài.
Tức nước vỡ bờ
Những ngày vừa qua, dư luận rất quan tâm việc người dân Bà Rịa – Vũng Tàu phản ứng quyết liệt nạn ô nhiễm môi trường. Mấy tháng gần đây đã ít nhất 3 lần người dân phản ứng vì cá chết. Cá chết do các nhà máy chế biến hải sản nằm gần cổng xả 6 của khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành đổ trực tiếp ra sông. Quá bức xúc, hàng chục hộ dân chở xác cá chết đến đổ trước cổng một số nhà máy chế biến hải sản, yêu cầu cơ quan chức năng sớm có câu trả lời và giải quyết dứt điểm. Không nhận được trả lời thỏa đáng, người dân đem cá đến trước trụ sở UBND tỉnh kêu cứu.
Vấn nạn đang xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Ở Cà Mau, trong số 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phát hiện từ năm 2014 đến nay, 1 đã giải thể, 2 đã ngưng sản xuất. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, phạt hành chính 43 cơ sở vi phạm. Dư luận cho rằng ô nhiễm còn cao hơn con số thống kê, vì toàn tỉnh hiện có gần 3.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan lĩnh vực môi trường, nhưng thẩm quyền Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý 56 cơ sở.
Lỗi do đâu?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, vi phạm chủ yếu là các cơ sở chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật xử lý nước thải theo quy định.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, riêng lĩnh vực chế biến thủy sản, hiện vẫn còn 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Một số cơ sở chưa có đủ 5 công đoạn quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng, nên hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã xây dựng quy trình xử lý chất thải đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của dân – Ảnh: An Đăng
Điều người ta lo ngại là bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp tập trung thì rất nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ nằm lẫn trong khu dân cư và vùng sản xuất cũng góp phần vào nạn ô nhiễm, do đầu tư ít, máy móc lạc hậu và thường bị phát hiện xả thải trực tiếp ra môi trường. Ô nhiễm kéo dài tại Bà Rịa – Vũng Tàu, do đây là cái rốn thu mua tôm cá của nhiều tỉnh, sơ chế, chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Địa phương hiện có 244 cơ sở hoạt động liên quan lĩnh vực gia công, sơ chế, chế biến hải sản, nhưng nhiều cơ sở rất lạc hậu. Xã Tân Hải có 22 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động, trong đó 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp vào đầm tiếp nhận trước cống xả 6, trong thời gian dài, khiến người dân bức xúc vì tỷ lệ cá nuôi bị chết có khi đến 100%.
Xử lý không xuể
Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều năm nay đã tập trung xử lý vấn đề môi trường, nhất là nguồn nước; 22 cơ sở bị phạt, đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Song người dân cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn còn lén lút xả thải ra môi trường.
Tỉnh Bạc Liêu 6 tháng đầu năm 2015, đoàn liên ngành kiểm tra tại 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bệnh viện (trong đó 63 cơ sở thu mua, sơ chế và nhà máy chế biến thủy sản), thấy còn 9 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đã phạt hành chính tổng số tiền 1,1 tỷ đồng; đồng thời cảnh cáo 29 cơ sở…
Tại Cần Thơ, chỉ riêng Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sông Hậu năm ngoái đã bị phạt hành chính trên 778 triệu đồng, do không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời theo quy định, thải dầu mỡ vào môi trường nước không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thậm chí phải đình chỉ hoạt động 3 tháng do sản xuất có phát sinh nguồn nước thải vượt quy chuẩn. Song, người dân vẫn phàn nàn tình trạng tôm cá bị chết; mức phạt các doanh nghiệp như đã thực hiện chưa đủ buộc họ phải xây dựng quy trình xử lý chất thải đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của dân.
Trong ô nhiễm nguồn nước thì các doanh nghiệp thủy sản chiếm vị trí đáng kể, do hầu hết đều tập trung ở một số hạ lưu các con sông, mật độ dày đặc, sản lượng chế biến rất lớn. Trong khi công nghệ chế biến thô sơ và xuất khẩu sản phẩm thô thì các doanh nghiệp chỉ sử dụng khoảng 60% cho xuất khẩu, còn lại thì vứt bỏ hoặc sử dụng không hiệu quả và dễ gây ô nhiễm môi trường.
Điều này dẫn đến tình trạng các sông lớn bị ô nhiễm ngày càng tăng. Tỉnh An Giang ước tính 70% lượng rác và nước thải tại khu vực này được đổ thẳng xuống kênh rạch chảy vào sông Tiền và sông Hậu. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho thấy hầu hết nguồn nước được kiểm tra đều có chất lượng xấu. Cộng thêm chất thải thường xuyên từ hàng nghìn bè, ao hầm nuôi thủy sản, và chất thải chưa được xử lý hết của 14 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, ngành môi trường An Giang rất quan ngại vấn đề ô nhiễm.
>> Nếu các doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản vi phạm, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho người dân thì ngoài việc phải xử phạt theo quy định của Nhà nước có phải đền bù cho người dân? Các luật sư cho biết, nếu người dân có đủ bằng chứng thì có quyền kiện doanh nghiệp đòi bồi thường. |