Do những hoạt động khai thác hải sản theo kiểu tận diệt như nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, sử dụng rọ lồng, thuốc nổ, kích điện…, nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học vùng bờ biển địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) là một trong những địa phương có nhiều thuyền nhỏ, bè mảng sử dụng “rọ lồng bát quát” khai thác nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là thủy sản kích cỡ nhỏ. Sáng sớm chúng tôi ra cửa Lạch Vạn, tàu thuyền chen kín bến sông, những chiếc bè mảng gắn máy nổ Đông Phong (Trung Quốc) đang cập bến. Có 3 – 4 bè mảng ép vào cảng cá, trên bè chở đầy “rọ lồng bát quái”, ngư dân giũ lồng, chúng tôi thấy có đủ cua, ghẹ, cá nhỏ… Dường như tất cả thủy sản đều không thoát được, mọi thứ đều bị “dính” vào chiếc lồng này. Một ngư dân tên Bình ở xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc cho biết: Khoảng 1 – 2 giờ sáng là chúng tôi ra biển để khai thác, khoảng 7 – 8 giờ sáng là về. Sản phẩm rất tươi, có đủ cả cua, cá, tôm to nhỏ khoảng từ 70 – 100 kg, phải lựa ra các loại để bán”. Hỏi anh Bình, đánh bắt hải sản bằng “rọ lồng bát quái” là hủy diệt nguồn lợi hải sản đang bị nghiêm cấm sao nhiều tàu vẫn hoạt động? Anh Bình cho biết: Chúng tôi không có vốn để đóng thuyền to máy lớn nên đầu tư bè mảng “đánh” các loại gần bờ để mưu sinh.
Theo dân trong nghề, “rọ lồng” là loại lưới “bát quái” có xuất xứ từ Trung Quốc, được các ngư dân ở Thanh Hóa, Quảng Nam và cả Nghệ An áp dụng trong những năm gần đây. Đây không phải là loại lưới thông thường, mà là những cái lồng hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lờ) để các loài thủy sinh chui vào và không có đường ra. Mỗi cái rọ dài chừng 50 cm, mỗi ngư dân có hàng trăm rọ lồng nối với nhau thành hệ thống giăng khắp bờ biển. Sau khi dăng bẫy, ngư dân còn dùng bè mảng chạy ven bờ cho “chân vịt” khuấy đảo nước lên đục ngầu, cá tôm, cua to nhỏ hoảng loạn chui vào lồng. Rọ lồng bát quái phần lưới bao quanh rất dày, cua, cá nhỏ đều bị dính bẫy. Theo thống kê của UBND xã Diễn Ngọc, toàn xã có 14 bè mảng chuyên dùng “rọ lồng bát quái” khai thác hải sản.
Ngư dân xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) sử dụng rọ lồng đánh bắt thủy sản.
Ngư dân Diễn Châu có khoảng 150 tàu thuyền nhỏ công suất 20 – 48 CV chủ yếu đánh bắt gần bờ. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc thì mặc dù xã đã tuyên truyền, vận động bà con đánh bắt đúng tuyến, chuyển đổi từ bè mảng sang đóng mới các tàu thuyền, nhưng đang gặp không ít khó khăn do phần lớn ngư dân không có vốn để đóng thuyền công suất lớn. Các thuyền nhỏ có tuổi thọ từ 12 – 17 năm, cũ nát, đi khơi, đi lộng không an toàn. Trong khi đó đóng bè mảng sử dụng lưới bát quái, chỉ cần 30-35 triệu đồng là người dân có thể đóng được bè mảng đánh bắt hải sản”.
Tại vùng biển Quỳnh Lưu cũng có khá nhiều tàu thuyền công suất nhỏ tập trung đánh bắt cá gần bờ. Điển hình là các xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Sơn Hải… Chúng tôi có mặt tại bến cá Lạch Quèn, tàu thuyền tấp nập về tránh trú bão. Ngư dân tên Trần Sơn ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cho hay: Thuyền công suất 20 CV này chỉ chạy gần bờ đi về trong ngày. Chúng tôi cũng muốn đầu tư thuyền lớn nhưng nhiều năm nay Lạch Quèn bị bồi lắng, các tàu to rất khó ra vào bến. Hiện toàn xã Quỳnh Long có 186 tàu thuyền, trong đó có khoảng 50 thuyền công suất 20 – 48 CV hàng ngày khai thác cá nhỏ.
Nghệ An là tỉnh ven biển có nghề cá phát triển nhanh nhất khu vực Bắc Trung bộ. Hiện tại, toàn tỉnh có số lượng tàu hơn 3.968 chiếc, trong đó có 1.579 chiếc dưới 20 CV, chủ yếu tập trung ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc… chưa kể là có khá nhiều hộ dân sử dụng bè mảng, lưới bát quái đánh bắt hải sản. Hiện nay nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh ta đang giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt được. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng tới 65%, hải sản có giá trị cao đang trở nên khan hiếm.
Ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết thêm: Từ đầu năm 2015 đến nay, chi cục đã kiểm tra, xử lý tàu thuyền đi sai tuyến 60 vụ, nhiều vụ dùng kích điện, xử phạt nạp ngân sách Nhà nước 340 triệu đồng. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là tình trạng sử dụng thuốc nổ đánh bắt cá trái phép trên biển diễn ra khá nhiều nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Mới đây Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Nghệ An phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tổ chức thả 86 rạn nhân tạo xuống biển tại Diễn Châu và Quỳnh Lưu nhằm bổ sung nơi cư trú cho cá và một số loài hải sản khác.
Thực trạng suy giảm nguồn lợi thủy hải sản gần bờ biển cho thấy các ngành chức năng cần sớm có những định hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là làm tốt công tác tuyên truyền. Cùng với đó là thực hiện các cơ chế, chính sách về vốn nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa khai thác và đánh bắt. Cần phát huy tốt vai trò tổ chức đoàn, hội, lực lượng chức năng ở xã, phường để tăng cường vận động, đấu tranh; phối hợp với các tỉnh lân cận trong quản lý khai thác hải sản trên biển; phối hợp tấn công tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ; lập đường dây nóng, tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác hải sản trái phép.