“Phát triển CBTS bền vững theo quy hoạch, gắn với phát triển vùng sản xuất nguyên liệu. Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, khai thác, thu mua sơ chế và CBTS trên cơ sở chuỗi giá trị và quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP theo hệ thống, trong đó doanh nghiệp chế biến tiêu thụ thủy sản đóng vai trò chủ đạo” – TS Đào Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Chế biến Bảo quản Thủy sản (Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối) chia sẻ với TSVN.
Thưa ông, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng trong công nghệ chế biến thủy sản thời gian qua đạt những thành tựu nào?
Tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng đã cải thiện, chủng loại sản phẩm ngày một phong phú, đa dạng với gần 1.000 loại sản phẩm khác nhau được chế biến từ tôm (sú, thẻ chân trắng, càng xanh), cá (tra, rô phi, cá biển các loại), mực và bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò điệp)…
Theo đánh giá của FAO, Việt Nam nằm trong số các nước có ngành thủy sản phát triển với tốc độ nhanh và hiện đang là một trong những nước có giá trị xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thị trường tiêu thụ nội địa cũng có nhiều đổi mới, ngày càng được quan tâm về chất lượng, bảo đảm yêu cầu vệ sinh, có nhiều mặt hàng thủy sản, phong phú về mẫu mã, mỹ thuật bao bì, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhưng bên cạnh đó vẫn là không ít thách thức, thưa ông?
Đó chính là thiếu quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng quản lý quy hoạch hệ thống chế biến thủy sản ở các địa phương chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu chung của ngành. Việc tập trung mật độ quá lớn nhà máy dẫn đến việc cạnh tranh mua bán nguyên liệu; thiếu lao động có tay nghề và việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản mất cân đối với nguồn nguyên liệu, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến phát triển chưa ổn định, không bền vững.
Đối với hệ thống chế biến xuất khẩu, việc dàn trải trong xây dựng nhà máy, sự chậm trễ trong tìm khâu đột phá nguồn nguyên liệu đang làm cho bức tranh chế biến thủy sản chỉ tập trung ở một số vùng, một số vùng ngày một tụt hậu, thậm chí có tỉnh, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã gần như suy sụp.
Việc quy hoạch hay kiểm soát quy hoạch xây dựng nhà máy tại một số địa phương hiện không phù hợp với quan điểm của ngành thủy sản “nhà máy phải gắn chặt một cách sống còn với vùng sản xuất nguyên liệu và thị trường” hoặc thiếu các chính sách về khuyến khích phát triển chế biến thủy sản. Cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ riêng cho chế biến thủy sản gần như không có mà chỉ hoạt động dựa vào cơ sở sẵn có của ngành nghề khác như: bến cảng, kho tàng, giao thông, chợ đầu mối… vốn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản trong những năm 90 trở lại đây hoàn toàn là của dân doanh.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?
Theo tôi, thời gian tới, đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản, cần chú ý đầu tư nâng cấp điều kiện nhà xưởng, cải tạo hoặc đầu tư mới các thiết bị chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì, các trang thiết bị phụ trợ đảm bảo sản xuất sản phẩm an toàn và đạt chất lượng cao. Việc đầu tư cần được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật và chỉ khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại đồng bộ để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, hạn chế mua sắm các thiết bị để sản xuất các sản phẩm sơ chế; khuyến khích việc mua các thiết bị sử dụng môi chất thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu; gắn kết chặt chẽ vùng nuôi, vùng khai thác với chế biến. Chú trọng công tác tuyển dụng – đào tạo cán bộ; coi trọng công tác tiếp thị phát triển thị trường; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học mới và phối kết hợp trong nghiên cứu; tạo cơ chế gắn kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu triển khai để tăng tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu sao cho các đề tài nghiên cứu xuất phát từ yêu cầu thực tế và phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, nên chăng cần hình thành các cơ quan tư vấn cho các doanh nghiệp về nâng cấp điều kiện sản xuất, đổi mới công nghệ thích hợp (lựa chọn công nghệ và mua sắm thiết bị); sản xuất sản phẩm mới (nhất là sản phẩm giá trị gia tăng); xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng; phương pháp tiếp thị và tìm kiếm thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp các quy định quốc tế liên quan đến thương mại hội nhập… Hoàn thiện cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn… đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với hội nhập quốc tế.