Những năm gần đây, chi phí nuôi tôm tại Australia tăng cao ở mọi giai đoạn. Người nông đã tìm ra giải pháp giảm chi phí, duy trì lợi nhuận bằng cách quản lý tiêu thụ thức ăn mà không ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và năng suất sau thu hoạch.
Quản lý sàng ăn hiệu quả
Trước đây, nông dân nuôi tôm ở Australia cho rằng thường xuyên chia cữ ăn của tôm thành các bữa nhỏ trong ngày là cách thức hiệu quả giúp tối đa hóa hệ số chuyển đổi thức ăn (FCRs) trong ao nuôi. Thông thường, các hộ đều cho tôm ăn 5 cữ/ngày sau khi tôm được thả vào ao khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, Công ty nuôi tôm sú lớn nhất Australia – Gold Coast Marine là đơn vị tiên phong nuôi tôm theo cách “phi truyền thống” là cho ăn 4 lần/ngày. Theo lý giải của các kỹ sư Bambang M. Julianto và Darrel Herbst tại Công ty, phương pháp trên sẽ cung cấp thêm thời gian nghỉ ngơi cho tôm giữa các cữ ăn, từ đó hạ thấp dần hệ số FCRs. Trong khi đó, các nhân viên tại trại nuôi cũng có nhiều thời gian để kiểm tra và quản lý sàng ăn chính xác hơn, từ đó làm giảm sai số trong khâu quản lý thức ăn.
Thực tế, chi phí nuôi tôm giai đoạn nuôi thương phẩm tại Australia luôn cao hơn các nước khác trên thế giới. Chi phí thức ăn, nhân công, phí bảo trì và phí nhiên liệu dồn lại khiến tổng chi phí nuôi luôn ở mức cao. Do đó, theo kinh nghiệm của Gold Coast Marine, quản lý thức ăn là giải pháp giảm hệ số chuyển đối thức ăn hiệu quả, từ đó tác động trực tiếp lên quá trình giảm chi phí nuôi tôm trong các ao thương phẩm.
Thu hoạch tôm ở Australia – Ảnh: Advocate
Quản lý tốt thức ăn thay thế
Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCRs) được coi là thước đo sự hiệu quả của việc nuôi tôm trong quá trình chuyển đổi chỉ số thức ăn sang chỉ số tăng trọng lượng. Cụ thể, chỉ số FCR với tôm sú tại Australia thường là 1.8. Việc thường xuyên thay thế thức ăn được Công ty Gold Coast Marine áp dụng cách đây 7 năm, trong giai đoạn nuôi thương phẩm, phương pháp này giảm cữ ăn của tôm xuống còn 4 lần/ngày. Kết quả, hệ số FCR đạt được như trong bảng:
Dựa trên thông số sàng ăn, lượng thức ăn mà Gold Coast Marine áp dụng cho trại nuôi đa dạng suốt giai đoạn nuôi thương phẩm (biểu đồ minh họa).
Tôm cần phải cho ăn thường xuyên bởi dạ dày nhỏ, tiêu hóa nhanh. Tuy nhiên, tôm có thói quen ăn và nghỉ ngơi định kỳ trước khi quay lại kiếm thêm thức ăn. Quản lý cho tôm ăn tại Gold Coast Marine gồm những bước sau:
*Ăn 4 lần/ngày, thời gian: 5h sáng, 11h trưa, 5h chiều và 11h tối. Sử dụng máy thổi thức ăn để trải đều lượng thức ăn trên toàn ao nuôi.
*Mỗi ao trang bị 3 sàng ăn, được sử dụng cùng lúc với máy thổi thức ăn và được kiểm tra lại sau 3 giờ đồng hồ. Lượng thức ăn cho mỗi sàng được chia theo tỷ lệ 0,5% trên tổng lượng thức ăn.
*Nếu trên sàng không còn sót thức ăn, cữ ăn tiếp theo tăng thêm 3 kg, giúp tăng trọng lượng trung bình của tôm lên 10 g. Nếu muốn trọng lượng tôm đạt trên 10 g, cần tăng 5 kg thức ăn cho cữ tiếp theo.
*Nếu sàng còn thức ăn, giảm 20 – 80% lượng thức ăn cho cữ tiếp theo. Trước đó, Gold Coast Marine chỉ giảm 10 – 30% lượng thức ăn khi kiểm tra thấy thức ăn trên sàng vẫn còn sót. Theo kinh nghiệm của các kỹ sư tại Công ty, nếu tăng quá nhiều thức ăn sẽ dẫn đến hiện tượng tôm sú ăn thịt lẫn nhau, nhất là với ao nuôi mật độ cao.
Hiệu quả
Khoảng cách thời gian giữa các cữ ăn luôn cố định 6 giờ sẽ cung cấp đủ thời gian cho tôm nghỉ ngơi trước khi chuyển sang cữ ăn mới. Nhờ đó, tôm tiêu hóa lượng dinh dưỡng hấp thu từ thức ăn hiệu quả hơn, đẩy nhanh chu kỳ lột xác và tăng trưởng. Người nuôi tôm cũng có đủ thời gian để giám sát quá trình cho ăn, tránh sai sót trong việc thiết lập và kiểm tra sàng ăn.
Quá trình kiểm tra định lượng tiêu thụ thức ăn trở nên hiệu quả hơn. Ngày nay, việc kiểm tra định lượng tiêu thụ thức ăn trên tôm với sàng ăn đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hệ số FCR trong các hệ thống nuôi thâm canh tại Australia. Tuy vậy, phương pháp này vẫn yêu cầu sự chú tâm và cẩn thận của người nuôi tôm trong suốt quá trình sản xuất. Để giảm khả năng sàng ăn bị lệch bởi sự xao nhãng của người nuôi, Công ty Gold Coast Marine đã tối đa khoảng cách giữa các cữ ăn.
Một số hộ nuôi tôm vẫn còn lưỡng lự tăng khối lượng thức ăn cho tôm trong giai đoạn nuôi thương phẩm do lo ngại hiện tượng tôm sú ăn thịt lẫn nhau. Còn nếu lượng thức ăn giảm, đặc biệt trong chu kỳ lột xác, sẽ dẫn tới việc giảm sinh khối do tôm ăn thịt lẫn nhau. Bởi vậy, ngày nay nhiều hộ nuôi đã áp dụng phương pháp quản lý sàng ăn theo cách của Gold Coast Marine để giảm tối đa chi phí nuôi và gia tăng lợi nhuận.