Nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã có thâm niên hàng chục năm, tuy nhiên đến nay phần lớn sản lượng dành xuất khẩu tiểu ngạch, việc xuất khẩu nội địa chỉ được một sản lượng nhỏ. Vì sao tôm hùm khó tận dụng “sân nhà”?
Hy vọng giữ giá
Hiện, giá tôm hùm tại đảo Bình Ba (Khánh Hòa) 650.000 – 1.200.000 đồng/kg tùy theo tình trạng của tôm hùm. Theo người nuôi tôm hùm ở đây, mức giá này là khá ổn định.
Theo người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, trong một vụ nuôi kéo dài 20 tháng, tỷ lệ tôm thu hoạch chưa đến 50% số lượng thả nuôi từ đầu vụ. Theo bà Lê Thị Mai, người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba, trung bình mỗi vụ gia đình bà thả nuôi 2.000 con tôm hùm giống và sau gần 20 tháng nuôi, gia đình bà Mai chỉ thu hoạch khoảng 900 con, tức là tỷ lệ thu hoạch chỉ chiếm 45%. Bà Mai cho biết, đó là những nơi có nguồn nước ổn định, nếu không thì tỷ lệ thu hoạch chỉ 30%; vì thế, trên thực tế, số lượng tôm hùm tăng là do số lồng nuôi tăng chứ các hộ nuôi không thể tăng sản lượng nuôi như với thủy sản khác.
Tôm hùm Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được chính ngạch
Do thời gian nuôi dài nên nếu hộ dân nào cũng chờ đến cuối vụ mới thu hoạch tôm hùm thì thị trường sẽ dội chợ, giá sẽ rớt nhanh. Do đó, người nuôi tôm hùm chọn cách thu hoạch dần dần để bán ra thị trường, nên trên thị trường không có lượng tôm hùm đủ lớn để xuất khẩu.
Vẫn chỉ xuất khẩu tiểu ngạch
Tôm hùm Việt Nam hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch, vì không bị rào cản kiểm dịch động vật. Cách thức xuất bán của các công ty Việt Nam là đông lạnh sản phẩm và vận chuyển theo đường bộ. Theo một số công ty, sự chênh lệnh giữa giá bán trong nước và xuất khẩu theo tiểu ngạch thường không chênh lệch bao nhiêu. Thường các thương lái chọn thời điểm giá tôm hùm thấp và có hiện tượng rớt giá để mua và xuất đi. Nhờ thế, giá tôm hùm trên thị trường không giảm giá mạnh và luôn ổn định.
Phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc cũng là nỗi lo. Bà Huỳnh Thị Hường, chủ của có 90 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết: “Do thị trường chủ yếu ở Trung Quốc nên mỗi lần chủ nậu thu mua người dân bán tôm ai cũng hồi hộp, lo âu. Khi dân bán tôm loại 2, loại 3 thì họ nói thị trường Trung Quốc cần tôm loại 1. Dân chúng tôi để tôm lại nuôi lớn mới bán thì họ lại nói cần loại 2, loại 3. Chúng tôi không biết thị trường như thế nào nên họ nói sao nghe vậy”.
Theo bà Trần Thanh Thúy, Phó trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Khánh Hòa, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, xuất đường tiểu ngạch do đó rất khó quản lý về giá cả. Điển hình vào năm 2012, nghề nuôi tôm lại lỗ nặng khi rớt giá gần 3 lần từ 2,4 triệu còn 800 ngàn đồng/kg vì thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ. Chi cục nhiều lần đề xuất các ngành cần quản lý chặt chẽ các nậu vựa, hạn chế khâu trung gian; thành lập trung tâm đấu giá thủy sản để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch, đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi để ổn định giá cả. Bên cạnh đó, tuyên truyền người nuôi tôm nên giãn thời gian nuôi, tránh dồn vào 1 vụ, bởi khi sản lượng thu hoạch nhiều rất dễ bị ép giá. Cùng với đó, ngư dân có thể nuôi thêm tôm tre dễ nuôi, ít bệnh và tiêu thụ nội địa lớn, giá bán cũng rất cao.
>> Tôm hùm Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được chính ngạch, một phần do những quy định hiện nay. Theo thông lệ, để xuất khẩu một sản phẩm tươi sống, bên xuất khẩu phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về kiểm dịch động, thực vật của bên nhập khẩu. |